Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%), áp dụng từ ngày 1/7/2023 - 31/12/2023.
Việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo tính toán, khi áp dụng việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng.
Kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn
Chị Hải Yến (Hà Nội) cho biết, gia đình chị thường vào siêu thị mua thực phẩm tươi sống và mặt hàng phục vụ cuộc sống hằng ngày như dầu ăn, mắm muối, bột giặt. Số tiền mua thực phẩm mỗi tuần khoảng 2 triệu đồng. Cùng với đó, mỗi tháng, số tiền mua bỉm sữa cho 2 con nhỏ khoảng 2 triệu đồng.
“Khi mua hàng hóa tại siêu thị đều chịu VAT 10%. Từ đầu năm đến nay, kinh tế khó khăn, công ty cắt giảm thu nhập, việc có thêm chính sách giảm 2% VAT , gia đình sẽ có thêm một phần tiền để mua hàng hóa phục vụ sinh hoạt hằng ngày”, chị Yến chia sẻ.
Không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng rất mừng khi được giảm VAT.
Ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH D.Suit Việt Nam cho biết, những tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao, sự khó khăn của nhiều lĩnh vực ngành nghề… khiến doanh số bán hàng của công ty giảm rất sâu.
“Nếu như năm trước, dù vẫn còn dịch COVID-19 nhưng lượng đơn hàng vẫn ở mức độ chấp nhận được bởi lượng tiền tích lũy của người dân vẫn còn. Thế nhưng, năm 2023, dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Doanh số nhiều đơn vị thời trang đã sụt giảm từ 20-30% so với mọi năm, thậm chí, doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm lý khó khăn đến hết năm 2023”, ông Dũng lo ngại.
Theo ông Dũng, doanh nghiệp ông đã có những giải pháp linh hoạt để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh tập trung nghiên cứu, quảng bá sản phẩm theo phân khúc khách hàng cao cấp và đẩy mạnh bán hàng online, doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều chương trình giảm giá sâu để chia sẻ những khó khăn khi khách hàng đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu.
“Sau nhiều tháng thực hiện các chương trình khuyến mãi đậm về giá, sức mua chung có nhích lên dù chưa nhiều như kỳ vọng. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng giảm giá sâu tăng hơn 10% nhưng doanh số chỉ tăng hơn 5% so với trước khi có các chương trình ưu đãi.”, ông Dũng thông tin.
Vì vậy, việc thông qua đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% trong trong những tháng cuối năm sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn.
“Cùng một ví tiền của bất kỳ người dân nào sẽ có thể mua được nhiều hàng hoá hơn, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng để chính các doanh nghiệp sản xuất cũng được hưởng lợi sau đó”, ông Dũng kỳ vọng.
Cần hướng dẫn cụ thể giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
Nhìn nhận về những chính sách này, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trong năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền trên 230 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất thì chính sách giảm VAT 2% là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất. Bởi, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ.
“Từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp đã có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động, chính sách thuế luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, nền kinh tế đã phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá.
Chính vì vậy, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với sự sụt giảm về đơn hàng, khó khăn về nguồn vốn, giá cả tăng cao,... khiến sức khỏe đó càng trở nên suy kiệt hơn, thì chính sách giảm 2% VAT tiếp tục được kéo dài hết năm 2023 sẽ thúc đẩy tiêu dùng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo ông Mạc Quốc Anh, nhờ kinh nghiệm năm trước, cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã quen với thủ tục áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng trên hóa đơn điện tử và có thể ngay lập tức áp dụng.
Tuy vậy, để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, khi Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cần khắc phục triệt để những nút thắt, những rào cản hành chính để những chính sách được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả.
“Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các chính sách quan trọng”, ông Mạc Quốc Anh nêu rõ.