Ngày 9/8, nhiều thương hiệu thép ra thông báo điều chỉnh giảm từ 100.000 – 210.000 đồng/tấn đối với dòng thép thanh vằn D10 CB300, trong khi đó vẫn ổn định với dòng thép cuộn CB240.
Cụ thể, thép Hòa Phát hạ 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300 ở cả 3 miền. Giá sau điều chỉnh ở 3 miền lần lượt là 14,04 triệu đồng/tấn, 13,99 triệu đồng/tấn và 13,89 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước.
Thương hiệu Việt Ý cũng giảm giá thép thanh vằn D10 CB300 100.000 đồng/tấn, từ 13,89 triệu đồng/tấn xuống còn 13,79 triệu đồng/tấn. Trong ki đó, thép Mỹ giảm 200.000 đồng/tấn xuống còn 13,6 triệu đồng/tấn.
Tương tự, các thương hiệu thép tại miền Bắc như Việt Đức, Việt Sing và Việt Nhật, Kyoei đều điều chỉnh giá thép D10 CB300 100.000 đồng/tấn.
Khu vực miền Trung ghi nhận giá thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng/kg tại thương hiệu Việt Đức, Việt Mỹ. Riêng thương hiệu Pomina giảm 210.000 đồng/tấn, từ 14,69 triệu đồng/tấn xuống còn 14,59 triệu đồng/tấn
Tại miền Nam, giá thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100.000 đồng/tấn tại thép Việt Mỹ, 210.000 đồng/tấn tại thương hiệu Pomina và Tung Ho. Trong khi đó, Thép Miền Nam không có thay đổi mới.
Kể từ tháng 4/2023, đây là lần giảm giá thép thứ 15 liên tiếp, hiện giá thép ở quanh mức 13,4 – 14 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất từ cuối năm 2020. Trước tình trạng giá thép giảm sâu nhưng vẫn tiêu thụ ế ẩm, doanh nghiệp thép trong nước đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.
Thị trường thép trong nước được nhận định tiếp tục khó khăn trong ngắn hạn. Hiện tại, ở các tỉnh phía Bắc đang là mùa mưa - mùa thấp điểm của xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ thép. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ ảnh hưởng đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong thời gian tới.
Trên thế giới, một năm trở lại đây, ngành công nghiệp thép số một toàn cầu của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm kéo dài nhiều tháng trong lĩnh vực bất động sản khổng lồ, đẩy giá thép xuống mức thấp nhất trong ba năm vào tháng 5 năm nay. Bên cạnh đó, lũ lụt sử tại Trung Quốc cũng kìm hãm đà tăng của giá quặng sắt.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sụt giảm khiến giá thép thấp nhất 3 năm.
Trước bối cảnh này, trên thế giới, nhu cầu mạnh về thép, chủ yếu từ châu Á và châu Phi đã và đang giúp hạn chế lượng tồn kho lớn và cho phép các nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục hoạt động.
Các nhà phân tích dự đoán khối lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc năm 2023 có thể dễ dàng vượt qua mức 67,32 triệu tấn của năm 2022 để đạt tới 77 triệu tấn, cao nhất 7 năm.
Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến thép Trung Quốc liên tục xuất khẩu đạt số lượng lớn trên toàn cầu là đồng nhân dân tệ yếu đi có lợi cho xuất khẩu. Ngoài ra, giá xuất khẩu thép của Trung Quốc đang hấp dẫn. Chính điều này cũng tạo một mặt bằng giá thấp và tạo áp lực lớn lên thị trường thép của các nước trong khu vực, thậm chí là thép của Việt Nam.