Giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.455,74 USD/ounce vào lúc 14 giờ 33 phút (giờ Việt Nam), sau khi giảm mạnh nhất kể từ ngày 6/8 vào thứ Tư (14/8). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,6% lên 2.493,30 USD/ounce.
Các nhà đầu tư chờ đợi thêm dữ liệu để đánh giá triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi báo cáo lạm phát quan trọng làm giảm hy vọng về đợt cắt giảm lãi suất mạnh hơn vào tháng 9/2024.
Cả đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đều giảm, sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn một tuần trong phiên trước đó.
Chuyên gia chiến lược thị trường Yeap Jun Rong của IG cho biết, triển vọng cắt giảm lãi suất không mạnh mẽ có thể đã kích hoạt một số hoạt động chốt lời.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7/2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái và mức tăng lạm phát hàng năm đã chậm lại xuống dưới 3% lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021. Số liệu này mở đường cho Fed cắt giảm lãi suất vào tháng tới, nhưng khả năng cắt giảm mạnh khó xảy ra.
Theo công cụ FedWatch của CME, hiện các nhà giao dịch dự đoán khoảng 36% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9/2024, giảm từ mức 50% trước khi dữ liệu được công bố. Môi trường lãi suất thấp có xu hướng thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng không sinh lời.
Thị trường hiện đang tập trung vào doanh số bán lẻ và dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của Mỹ, dự kiến công bố vào lúc 12h30 GMT (19h30 theo giờ Mỹ).
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 05 phút ngày 15/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,00 - 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
*Giá dầu tăng do kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch chiều 15/8 bởi tâm lý lạc quan rằng khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế và tiêu thụ nhiên liệu, mặc dù những lo ngại về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chậm lại đã hạn chế đà tăng.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 19 xu Mỹ (0,24%) lên 79,95 USD/thùng vào lúc 13 giờ 25 phút (giờ Việt Nam), phục hồi một phần mức giảm của ngày hôm trước. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 23 xu Mỹ (0,3%) lên 77,21 USD/thùng.
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng 2,9% trong tháng 7/2024 và lạm phát hàng năm giảm xuống dưới 3% lần đầu tiên trong gần 3 năm rưỡi, củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Nhà kinh tế Yuki Takashima của Nomura Securities cho biết, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Fed có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết, lượng dầu mỏ dự trữ tăng đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ yếu. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/8, trong khi dự kiến trước đó giảm 2,2 triệu thùng, tăng lần đầu tiên kể từ cuối tháng 6/2024.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 7/2024, trong khi sản lượng lọc dầu giảm tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều, đồng thời hạn chế đà tăng của thị trường.
Thị trường sẽ tập trung vào số liệu tăng trưởng doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7/2024 sau dữ liệu trái chiều từ Trung Quốc, nhà phân tích thị trường cao cấp Kelvin Wong của OANDA cho biết.
Chuyên gia Takashima của Nomura có quan điểm rằng giá dầu vẫn chịu áp lực do lo ngại về nhu cầu mỏ toàn cầu sẽ chậm chạp, đặc biệt ở Trung Quốc. Chuyên gia dự đoán giá dầu WTI sẽ hướng tới mốc 72 USD/thùng vào tháng 8/2024.
Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho rằng giá dầu có thể tăng cao hơn trong quý III/2024 do lo ngại xung đột ở Trung Đông, các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và đồng USD yếu. Bà dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng lên 90 USD/thùng.
*Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đều tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 15/8, khi lạm phát của Mỹ giảm nhẹ đã thúc đẩy hy vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản vượt xa kỳ vọng.
Chốt phiên 15/8 chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,8% lên 36.726,64 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) đi ngang 17.109,14 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1,0% lên 2.877,36 điểm.
Thị trường Seoul, Sydney và Singapore đều tăng điểm, trong khi Đài Bắc (Trung Quốc), Jakarta và Bangkok đi xuống.
Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7/2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất trong 12 tháng kể từ tháng 3/2021, tạo tiền đề cho Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch lạc quan rằng mức cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9/2024 của Fed có thể vượt mức dự kiến 25 điểm cơ bản, một số nhà quan sát dự đoán mức cắt giảm lên tới 50 điểm cơ bản.
Các số liệu tăng trưởng tích cực từ Nhật Bản khiến chỉ số Nikkei 225 dẫn đầu mức tăng điểm của thị trường châu Á, khi nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này thông báo mức tăng GDP tốt hơn dự kiến trong quý II/2024.
Tại thị trường trong nước kết thúc phiên 15/8 chỉ số VN-Index giảm 6,80 điểm (-0,55%), xuống 1.223,56 điểm, HNX-Index giảm 1,14 điểm (-0,50%), xuống 228,54 điểm.