Theo các chuyên gia, Việt Nam và Uganda có nhiều tiềm năng hợp để tác về kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, thông tin - truyền thông, an ninh... Tuy nhiên, quan hệ giao lưu kinh tế giữa hai nước hiện vẫn còn rất thấp, mới ở mức 14,3 triệu USD (năm 2021).
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sắt thép, sản phẩm dệt may, máy móc, thiết bị phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện; nhập khẩu chủ yếu là thức ăn gia súc và nguyên liệu, gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2022, Uganda có 3 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 90.000 USD. Việt Nam có 2 dự án tại Uganda với tổng mức đầu tư 35,5 triệu USD.
Đáng chú ý, hàng năm Uganda nhập tới 150 triệu USD gạo nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa xuất khẩu gạo trực tiếp sang quốc gia này.
Trước tiềm năng hợp tác rất lớn đã được xác định, trong thời gian tới, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Uganda đều thể quyết tâm thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác gắn bó nhiều mặt, đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, kết nối doanh nghiệp giao lưu nhân dân... để thúc đẩy hợp tác song phương.
Đưa nông nghiệp trở thành lĩnh vực hợp tác trọng tâm
Chiều 25/11, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống nước Cộng hòa Uganda Yoweiri Kaguta Museveni và Phu nhân, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan xúc tiến đầu tư Uganda (Uganda Investment Authority) đã phối hợp tổ chức "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Uganda" và gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp hai nước.
Diễn đàn là sự kiện tiếp nối các cuộc gặp, hội đàm diễn ra ngày 24/11 giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Museveni và đoàn lãnh đạo cấp cao Uganda.
Phát biểu tại sự kiện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao VCCI đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan xúc tiến đầu tư của Uganda để tổ chức Diễn đàn quan trọng này nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ngài Tổng thống.
Phó thủ tướng cho biết Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với với Uganda. Tuy nhiên, những kết quả hợp tác kinh tế mà hai nước đạt được đến nay chưa phản ánh hết nhu cầu và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước. Tỷ trọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Uganda còn rất khiêm tốn so với tổng giá trị trao đổi thương mại và đầu tư của mỗi nước.
Trong bối cảnh hai nước đã quản lý tốt dịch bệnh và mở cửa đất nước, theo Phó thủ tướng, Việt Nam và Uganda cần tích cực phối hợp, hợp tác chung tay để góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.
"Để hiện thực hóa điều này, cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành của hai nước cần bắt tay vào làm nhiều việc trên tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, nhằm vào những lĩnh vực mà các bên có lợi thế, chọn ra những lĩnh vực đột phá", Phó thủ tướng nói.
Theo đó, không chỉ huy động các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ cũng cùng tham gia. Không chỉ hợp tác song phương mà còn kêu gọi các quốc gia, tổ chức khác cùng hợp tác. Đồng thời, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần thúc đẩy thực thi văn kiện hợp tác giữa hai nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp kết nối, hợp tác, đầu tư, kinh doanh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Uganda". Ảnh: Tuấn ViệtTrao đổi với đại diện doanh nghiệp hai nước, Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni cho biết Uganda đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ, ưu tiên phát triển nông nghiệp và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, triển khai các chính sách thương mại – đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư từ nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Việt Nam.
Nhấn mạnh quan hệ giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Uganda vẫn còn thấp, Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni cho rằng, hai nước còn nhiều tiềm năng để hợp tác. Vì vậy, Diễn đàn là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ trao đổi thông tin, hiểu biết thêm về Uganda và tìm kiếm đối tác tiềm năng.
Tại sự kiện, lãnh đạo VCCI bày tỏ tin tưởng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Uganda là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước trao đổi tìm hiểu thông tin lẫn nhau và là dịp để Việt Nam - Uganda quảng bá về hình ảnh đất nước, giới thiệu chính sách đầu tư, kinh doanh. Sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp sẽ đóng góp to lớn cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác kinh tế của Uganda tại Diễn đàn. Ảnh: Tuấn ViệtTại sự kiện, Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho biết, nhu cầu và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam - Uganda là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên chia sẻ nhiều lợi ích, có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế.
Theo đó, một số mặt hàng thế mạnh và có nhiều tiềm năng thúc đẩy giữa hai bên là các mặt hàng nông thủy sản, nhất là cà phê, vật liệu xây dựng, vật tư y tế của Việt Nam hay một số loại nông sản và khoáng sản của Uganda. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có có thể nghiên cứu cơ hội đầu tư tại Uganda bởi Uganda có vị trí trung tâm và có vai trò quan trọng tại khu vực Trung Phi.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực công nghiệp Việt Nam có nhu cầu phát triển như: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin… cũng là những lĩnh vực Uganda có thế mạnh, nhu cầu, có thể tăng cường hợp tác.
“Là cơ quan đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và giới sử dụng lao động Việt Nam - VCCI luôn sẵn sàng hợp tác, cam kết tiếp tục đóng vai trò là cầu nối vững chắc, thúc đẩy thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vì mục tiêu phát triển chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước” - Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổng thống Cộng hòa Uganda Yoweiri Kaguta Museveni tại Diễn đàn. Ảnh: Tuấn ViệtChia sẻ tại diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương Uganda bày tỏ mong muốn đẩy mạnh cơ hội hợp tác giao thương sau chuyến thăm cấp nguyên thủ đầu tiên của Tổng thống Museveni tới Việt Nam.
Cũng giống như Việt Nam, Uganda đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế ngày càng phát triển với tốc độ tăng trưởng các năm trước đều ở mức hơn 6%. Giai đoạn trước mắt, nền kinh tế toàn cầu đang gặp thách thức, áp lực lạm phát là mối lo thường trực nhưng đại diện Bộ Công Thương Uganda nhận định, khó khăn này chỉ là tạm thời, trong trung hạn nền kinh tế sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng.
Ông cho biết, Uganda có thế mạnh về nguyên liệu thô phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đầu tư sản xuất bông. Hay các lĩnh vực khoáng sản, nông nghiệp (với các mặt hàng sữa, bông, gỗ…), du lịch - là lĩnh vực Uganda đang thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài tại các địa điểm, danh thắng, kỳ quan nổi tiếng. Đặc biệt là dầu khí, có thể hỗ trợ Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng.
Đại diện cơ quan xúc tiến đầu tư của Uganda có phần phát biểu, chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh Tuấn ViệtNgược lại, là nước có thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam giúp Uganda đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Uganda chỉ cung ứng được 30% nhu cầu trong nước nên có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn nông sản từ Việt Nam. Sự có mặt của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tại Uganda sẽ góp phần phát triển ngành chế biến, chế xuất.
“Thâm nhập vào thị trường Uganda, các doanh nghiệp Việt Nam trao cho mình cơ hội mở cánh cửa vào thị trường châu Phi - thị trường chung quan trọng với dân số hơn 1,3 tỷ người”, đại diện Bộ Công thương Uganda nhấn mạnh.