Quý 4/2022, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) ghi nhận doanh thu âm 331 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 1.169 tỷ đồng. Với giá vốn bán hàng âm 39 tỷ đồng, KBC ghi nhận lỗ gộp 292 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bán hàng giảm mạnh từ 70 tỷ cùng kỳ năm trước xuống còn 5 tỷ, chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lên, lỗ từ công ty liên kết 10 tỷ... Trừ đi các chi phí, quý 4/2022 KBC lỗ ròng kỷ lục 482 tỷ đồng và cũng là quý thua lỗ lịch sử của Kinh Bắc.
Luỹ kế cả năm 2022, Kinh Bắc City đạt doanh thu 957 tỷ, giảm đến 77% so với cùng kỳ 2021 và về đáy 10 năm, chủ yếu do "hụt" mất hơn 2.300 tỷ khoản doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng, không còn ghi nhận doanh thu bán nhà xưởng như năm trước. Đồng thời phải giảm trừ doanh thu hơn 447 tỷ.
KBC giải trình, trong năm 2022, công ty đã ký cho thuê 107ha đất KCN với tổng giá trị gần 3.540 tỷ đồng. Tại KCN Quang Châu, tổng diện tích KCN đã ký cho thuê trị giá 2.460 tỷ đồng. Đặc biệt công ty đã cho thuê gần 50ha đất cho dự án "Nhà máy công nghệ chính xác Fulian" cho nhà đầu tư Ingrasys (Singapore) trực thuộc Foxconn - đơn vị sản xuất sản phẩm điện tử cho Apple, với tổng giá trị 1.624 tỷ đồng. Tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đã ký cho thuê 30ha với giá trị 981 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nước ngoài chưa được cấp giấy phép đầu tư nên chưa kịp bàn giao trong năm 2022, do đó doanh thu bán hàng sẽ được chuyển sang năm 2023 mới có thể ghi nhận được. KBC ước tính tổng các hợp đồng này có thể mang lại lợi nhuận gộp hơn 1.800 tỷ đồng năm 2023.
Dù vậy, doanh nghiệp vẫn báo lãi trước thuế đạt 1.719 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.547 tỷ đồng. EPS cải thiện lên 2.019 đồng.
Trước đó, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 đạt 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy kết thúc năm, KBC chỉ đạt vỏn vẹn 9% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2022 là hơn 34.900 tỷ đồng. Con số này tăng 11% so với đầu năm. Phải thu ngắn hạn là hơn 11.000 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản.
Hàng tồn kho của Kinh Bắc chiếm hơn 35% tổng tài sản, ghi nhận 12.254 tỷ đồng. KĐT và KCN Tràng Cát vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 7.800 tỷ đồng; theo sau là KCN Tân Phú Trung; KĐT Phúc Ninh; KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đều trên 1.000 tỷ; KĐT Tràng Duệ, KCN Quang Châu và dự án NOXH thị trấn Nếnh hơn 300 tỷ đồng.
Tài sản dở dang dài hạn có giá trị 1.265 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng tại dự án Viễn Đông Meridian Towers (744 tỷ đồng); KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (110 tỷ đồng), khu ngoại giao đoàn Hà Nội (106 tỷ đồng)...
Nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 là 17.067 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm và gần như ngang bằng vốn chủ sở hữu (17.865 tỷ).
Tính đến cuối năm, KBC đã rót hơn 4.300 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết, trong đó lớn nhất là khoản đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng trong năm, tương đương nắm 48% vốn điều lệ.