Không phải kỳ họp đầu nhiệm kỳ, nhưng do xáo trộn một số nhân sự vừa qua, nên kỳ họp này của Quốc hội có thêm công tác nhân sự.
Cụ thể, Quốc hội sẽ bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo dự kiến chương trình cụ thể, ngay chiều 20/10 Quốc hội sẽ tiến hành các bước của quy trình miễn nhiệm ba chức danh trên.
Trong vị trí trên, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bị bắt giam, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đã đảm nhiệm chức vụ mới là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chỉ có ông Nguyễn Văn Thể đang đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Ông Ngô Văn Tuấn, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, phụ trách cơ quan này sẽ được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Bà Đào Hồng Lan cũng đã được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nhân sự thay thế Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã được Trung ương cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu vừa qua.
Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu kín để bầu và phê chuẩn ba chức danh trên; kết quả kiểm phiếu và thông qua nghị quyết nội dung này sẽ được công bố vào chiều 21/10.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với nội dung về công tác nhân sự, bố trí Quốc hội họp riêng, nhưng phần Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về nhân sự thì cho phép báo chí vào lấy hình ảnh để đưa tin về công tác nhân sự đến cử tri và nhân dân (như các kỳ họp về nhân sự trước đây).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giải thích, ưu tiên công tác nhân sự ngay từ đầu kỳ họp để các vị mới được bầu còn trình các nội dung thuộc trách nhiệm của mình tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội.
Về những nội dung khác, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ có tờ trình đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ trong tổ chức thực hiện và nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Nội dung này đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp này (bằng văn bản). Do đó, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết trên vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 và sẽ được thảo luận tại tổ và ở hội trường.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung về tình hình xung đột Nga - Ukraine, các tác động đến nước ta, dự báo tình hình để đại biểu Quốc hội nắm được thông tin chính thống. Nội dung này được đề cập trong Báo cáo về công tác đối ngoại năm 2022 hoặc có báo cáo riêng.
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp).
4 dự thảo nghị quyết cũng được xem xét thông qua là: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 01 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 7 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 1); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.