Tỷ giá VND/USD vọt tăng mạnh
Sáng nay (27/12), tỷ giá trung tâm đang được niêm yết ở mức 23.885 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên liền trước.
Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 25.079 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.691 VND/USD.
Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại sáng nay tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh so với phiên liền trước.
Cụ thể, Vietcombank đang mua bán USD ở 24.150 – 24.490 VND/USD, tăng 80 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát phiên liền trước.
VietinBank đang niêm yết USD ở mức 24.215 – 24.555 VND/USD, tăng 123 đồng ở cả hai chiều mua bán trong khi BIDV tăng 140 đồng, đang niêm yết ở mức 24.230 – 24.530 VND/USD.
Ngân hàng Eximbank tăng 140 đồng, đang niêm yết USD ở mức 24.240 – 24.550 VND/USD.
Techcombank đang niêm yết USD ở mức 24.230 – 24.540 VND/USD, tăng 127 đồng ở mỗi chiều so với phiên liền trước. Trong khi đó, Sacombank tăng 120 đồng ở chiều mua và 125 đồng chiều bán, đang niêm yết USD ở mức 24.220 – 24.530 VND/USD.
Trước đó, trong phiên 26/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.870 VND/USD, giảm tiếp 25 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.013 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên với mức 24.330 VND/USD, tăng 90 đồng so với phiên 25/12. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.700 VND/USD và 24.800 VND/USD.
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong bối cảnh trên thị trường thế giới, đồng USD tiếp tục duy trì mức thấp nhất trong gần 5 tháng so với rổ tiền tệ chính do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới.
Hiện, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang đứng ở mức 101,53 điểm.
Chênh lệch giá mua vào - bán ra vàng SJC doãng rộng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn đều đồng loạt tăng mạnh giá bán, đẩy chênh lệch giá mua - bán được doãng rộng tới gần 2 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá mua bán vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giao dịch ở mức 78 – 79,7 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều mua và 900 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với giá khảo sát phiên liền trước. Chênh lệch giá mua vào - bán ra được doãng rộng ra tới 1,7 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá mua bán vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 500 nghìn đồng/lượng chiều mua và 800 nghìn đồng/lượng chiều bán, đang niêm yết ở mức 78,1– 79,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1,6 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá mua bán vàng miếng đang được giao dịch ở mức 77,85 – 79,5 triệu đồng/lượng, tăng 700 nghìn đồng/lượng chiều bán trong khi tại PNJ, giá vàng đang được giao dịch ở mức 77,4 – 79,2 triệu đồng/lượng, giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua nhưng tăng 300 nghìn đồng/lượng chiều bán so với phiên liền trước.
Trong khi đó, giá sản phẩm nhẫn tròn trơn tại các doanh nghiệp sáng nay được điều chỉnh tăng từ 300 đến 700 nghìn đồng/lượng, hiện đang xoay quanh mốc 63 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 64 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng trong nước liên tiếp lập đỉnh mới trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý không có nhiều biến động khi thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ.
Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco hiện đang ở mức 2.065,2 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 60,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 17,1 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, yếu tố chính hỗ trợ vàng trong ngắn hạn vẫn là kỳ vọng về sự ôn hòa của các ngân hàng trung ương và lãi suất giảm trong vài năm tới.
Theo đó, nhiều khả năng vàng có thể duy trì trên 2.000 USD vào năm 2024 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị vẫn leo thang.
Lãi suất thấp hơn của Mỹ làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không mang lãi suất và cũng được coi là khoản đầu tư trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị.