Tốn nhiều chi phí nhưng vẫn không đạt chuẩn
Sau vụ cháy karaoke An Phú (Bình Dương) hồi tháng 9/2022, nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này đã bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động để khắc phục các vấn đề về PCCC.
Tiếp đó, tháng 11/2022, 38 cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.HCM đã cùng ký đơn kiến nghị UBND TP và các cơ quan công an cho rằng việc yêu cầu tất cả phòng hát phải sử dụng vật liệu không cháy, khó cháy là không đúng quy định pháp luật và gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.
Không chỉ các cơ sở kinh doanh giải trí, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cũng cho biết họ gặp vướng mắc trong quá trình xét duyệt để đạt tiêu chuẩn PCCC theo quy định.
Nhìn nhận về những khó khăn này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên tục thay đổi, gây khó cho họ.
Chỉ trong vòng 18 tháng, có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi, theo kịp các quy định.
“Doanh nghiệp đang đầu tư theo phương án cũ, lại thẩm định nghiệm thu theo phương án mới mà không có các hướng dẫn chuyển tiếp nên không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan thẩm tra cũng bị mắc”, bà Thủy nêu rõ.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV)
Phân tích cụ thể, theo bà Thủy, thông tư quy định doanh nghiệp phải sử dụng sơn chống cháy. Tuy vậy, trên thị trường không có một loại sơn chống cháy nào được cấp phép, dẫn đến doanh nghiệp không được thẩm định công trình, không được nghiệm thu công trình và không được tiếp tục vận hành hoạt động.
Hay có những tòa nhà yêu cầu thang thoát hiểm cần có một thang trong và một thang ngoài. Tuy vậy, trên thực tế, tất cả chủ đầu tư đều làm theo quy định trước đó, giờ nếu đối chiếu với thông tư mới thì nhiều tòa nhà lại có tiềm ẩn rủi ro cao.
“Biết bao tòa nhà đã và đang vận hành trên quy định cũ rồi thì làm sao có thể có một thang ngoài. Nhiều doanh nghiệp cho biết không có cách nào để khắc phục được”, bà thủy quan ngại.
Hay theo phản ảnh của ngành vật liệu xây dựng, có quy định cần một tầng lánh nạn để sử dụng cho mục đích cộng đồng, nhưng lại không quy định mục đích cộng đồng là như thế nào, thành ra chủ tòa nhà và cư dân không biết phải làm gì với nó, dẫn tới những lãng phí không cần thiết.
“Nói chung có nhiều quy định bóc tách ra là hướng tới quy định cao nhưng chưa thực sự hợp lý và khả thi trong bối cảnh hiện tại”, bà Thủy nhìn nhận.
Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, có những quy định mới lại không phân biệt về mặt quy mô và chức năng vận hành, tức là công trình nhỏ hay to đều áp chung một quy định. Vì thế, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp xây dựng công trình loại nhỏ đội lên rất nhiều so với có quy mô lớn.
Để dẫn chứng, ông Cung cho biết, có doanh nghiệp phản ánh để xây dựng một nhà kho phải bỏ ra 12 tỷ đồng, trong đó 1/3 là chi phí PCCC, đây là chi phí quá cao đối với năng lực năng lực của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế
"Có doanh nghiệp cho biết, dù đã kinh doanh ổn định trong nhiều năm nay và năm nào cũng làm hoạt động thẩm định PCCC theo quy định của pháp luật nhưng khi xuất hiện các quy định mới, doanh nghiệp không đáp ứng được nên các cơ quan chức năng đang yêu cầu đóng cửa dừng hoạt động”, ông Cung quan ngại.
Cần có những ưu tiên xử lý
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát. Từ đó, chủ động, kịp thời giải đáp và hướng dẫn đầy đủ để khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC. Việc này cần hoàn thành trước 30/4.
Đánh giá cao chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, trong công điện, Thủ tướng cũng nêu rõ vai trò của bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Xây dựng trong việc hướng dẫn, và có những giải cụ thể đến việc thực quy chuẩn tiêu chuẩn về PCCC cho doanh nghiệp.
“Công điện này được kỳ vọng sẽ giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện của các đơn vị liên quan, đặc biệt là việc Bộ Công an rà soát các cơ sở pháp lý liên quan đến thủ tục hoạt động PCCC. Đồng thời, giám sát các hoạt động cơ quan của địa phương trong việc thực hiện những hướng dẫn cho các doanh nghiệp cũng nhà đầu tư”, bà Thảo kỳ vọng.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)
Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Thủ tướng đã ban hành một công điện toàn diện, từ chỉ đạo các bộ bộ ngành liên quan, đến giao trách nhiệm chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn đến công tác PCCC.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn, bởi trên thực tế, để tháo gỡ khó khăn trong công tác PCCC, các bộ ngành và địa phương cần phải phối hợp rà soát lại các quy định đã ban hành về quy định tiêu chuẩn quy định và đánh giá đâu là quy định cần thiết khả thi và hợp lý.
Hiện việc xây dựng lại văn bản quy phạm tại Việt Nam nhanh thì phải nhiều tháng, trong khinhiều doanh phải đình đốn hoạt động vì không đáp ứng được tiêu chuẩn PCCC. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có ưu tiên và xử lý trong thời gian tới.
“Hàng nghìn doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương đang không được nghiệm thu và phải tạm dừng hoạt động thì phải có giải pháp để hướng dẫn. Nếu chờ 1 năm nữa mới ra hướng dẫn thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ phá sản” bà Thủy nêu rõ.