
Sáng ngày 21/4, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất và công ty mẹ đạt lần lượt 15.500 tỷ đồng và 11.500 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận sau thuế hợp nhất và công ty mẹ là 1.200 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 16% so với thực hiện năm 2024.
Nhìn nhận về khả năng thực hiện kế hoạch, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc Vinaconex đánh giá, kế hoạch năm 2025 được ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra trên cơ sở thận trọng và dựa vào những việc doanh nghiệp đang thực hiện, doanh nghiệp tự tin có thể đạt ít nhất 90-95% kế hoạch.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2025, lãnh đạo Vinaconex cho biết, doanh thu hợp nhất ước đạt 2.600 tỷ đồng, tương đương 17% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế gần 150 tỷ đồng, tương đương 13% kế hoạch. Doanh thu công ty mẹ đạt 2.062 tỷ đồng (trong đó doanh thu thuần là 1.789 tỷ đồng), đạt 18% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, đạt 25% so với kế hoạch.
Làm xây lắp mà biên lãi ròng 3-5% là cực tốt
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thị phần xây lắp như hiện nay, lãnh đạo Vinaconex khẳng định không hy vọng tỷ suất lợi nhuận cao, chỉ hy vọng đóng góp vào định hướng phát triển đẩy mạnh đầu tư công, hoàn thành đúng tiến độ các dự án. Do đó, công ty sẽ tập trung rà soát, khai thác tối đa công suất, tăng cường công tác quản trị để đảm bảo đúng tiến độ.
Theo ông Đông, biên lãi ròng mảng xây lắp hiện nay của công ty chỉ khoảng 3-5% nhưng đây là mức lợi nhuận cực tốt trong ngành. Với mảng này, lợi nhuận còn ảnh hưởng nhiều yếu tố như thời tiết, giá vật liệu đầu vào, nhân công, thiết bị,... cho đến áp lực tiến độ. Giá nguyên vật liệu thì tăng, nhưng thanh toán lại theo đơn giá và định mức dự toán được duyệt từ trước, có thể điều chỉnh theo CPI nhưng rất hạn chế. Tức là, mình phải tự xoay xở phần chênh lệch này, rất khó để giữ được lợi nhuận.
Quan điểm của ban lãnh đạo công ty là sẽ tiếp tục nhận các dự án, nhưng phải quản trị rủi ro chặt chẽ. Không thể cứ thấy gói thầu lớn là nhận bằng được, rồi sau đó dòng tiền không thu được, trong khi phải trả lãi vay ngân hàng. Nếu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, thủ tục không chắc chắn, tiến độ không đảm bảo thì không những không có lãi mà còn có thể bị lỗ. Do đó, công ty ưu tiên làm dự án nào chắc chắn, thu được tiền, kiểm soát được tiến độ và pháp lý.
Lãnh đạo Vinaconex cho biết, trong năm 2024, công tác đấu thầu và tìm kiếm dự án tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xây lắp của công ty. Tổng giá trị hợp đồng trúng thầu, ký mới năm 2024 là hơn 11.600 tỷ đồng tạo nguồn việc ổn định cho công ty này trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Công ty cũng đã trúng thầu nhiều dự án xây dựng dân dụng và hạ tầng giao thông quy mô lớn như các gọi thầu thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án vành đai 3.5 - Hà Nội, dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu, gói thầu 4.7 và gói thầu 4.8 dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài,...
Với mảng đầu tư bất động sản, hiện Vinaconex đã hoàn thành bàn giao dự án chung cư cao cấp Green Diamond số 93 Láng Hạ và dự kiến sẽ hạch toán hết trong năm nay. Dự án có tổng 324 căn, trong đó, 100 căn tái định cư, 234 căn thương mại, 5 tầng đế thương mại. Đến nay, dự án đã hạch toán được 80%, còn khoảng 20% trong năm nay. Cơ bản dự án đã bán hết hàng.

Đồng thời, công ty đã hoàn thành công tác cải tạo và đưa vào kinh doanh dự án Vinaconex Diamond Tower trong năm 2024. Hiện dự án đang được mở bán và được thị trường hấp thụ rất tốt.
Đáng chú ý, dự án Cát Bà Amatina (do Vinaconex ITC - công ty con của Vinaconex làm chủ đầu tư) đã hoàn thành cơ bản hạ tầng dự án, trong đó khối lượng thực hiện tại dự án năm 2024 đạt khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường trong năm 2025. Hiện dự án đang tiến hành đàm phán với các đối tác. Năm 2025 dự kiến sẽ bán buôn một phần tương đối lớn, để đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận. Nguyên tắc là phải có lãi và phải có lãi tương đối.
Bên cạnh các dự án trên, trong năm 2024 Vinaconex đã triển khai thủ tục đầu tư một số dự án như Toà nhà văn phòng cho thuê tại khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính và khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội), Toà nhà hỗn hợp Vinaconex 1, Khu đô thị Ngân Câu Quảng Nam; nghiên cứu đầu tư một số dự án khu đô thị, khu công nghiệp tại Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến ngày mai (22/4) công ty sẽ chính thức khởi công dự án tổ hợp thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp Capital One.
Ngoài ra, công ty cũng đang tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc và đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng. Bên cạnh đó, công ty đã được chấp thuận là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Đông Anh với quy mô 299,45ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6.338 tỷ đồng.
Với dự án khu công nghiệp Đông Anh, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết đây là dự án có vị trí chiến lược giữa cầu Nhật Tân và Sân bay Nội Bài, trong khi các dự án khu công nghiệp xung quanh gần như không còn đất cho thuê. Định hướng của công ty là phát triển khu công nghiệp xanh, logistics, cho nên trong bối cảnh dòng vốn FDI có giảm thì với định hướng này dự án sẽ không ảnh hưởng.
Dự án được Chính phủ giao Vinaconex thực hiện, thủ tục thì nhanh nhất 2 năm nữa mới xong và 3 năm nữa mới triển khai thực hiện nên công ty sẽ lựa theo tình hình thu hút FDI và tình hình kinh tế trong nước để có kế hoạch thực hiện phù hợp”, ông Đông cho biết.
Với mảng đầu tư tài chính, công ty dự kiến tiếp tục thực hiện công tác tái cấu trúc vốn; củng cố, đầu tư mạnh về vốn, nhân lực, quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty thành viên nòng cốt.
Nhìn chung, theo lãnh đạo Vinaconex, động lực tăng trưởng trong năm 2025 của công ty vẫn dựa trên 3 trụ cột xây lắp, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính. Trong đó, mảng xây lắp chủ yếu tăng trưởng quy mô, lợi nhuận có nhưng không nhiều. Trong khi đó, động lực làm ra tiền, trả cổ tức cho cổ đông bên cạnh lợi nhuận ổn định từ đầu tư tài chính (các công ty thành viên trong mảng nước sạch, giáo dục, thủy điện) thì sẽ chủ yếu đến từ mảng bất động sản. Dự kiến 2 mảng này sẽ đóng góp khoảng 70% lợi nhuận trên tổng mục tiêu 1.200 tỷ đồng của năm 2025.
Ngoài ra, trong năm 2025, bên cạnh phát triển các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực bất động sản, tập trung phát triển các dự án khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp; khai thác vận hành có hiệu quả các dự án sau đầu tư hiện có, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết công ty sẽ chuẩn bị nguồn lực để nghiên cứu triển khai các lĩnh vực mới như xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, các dự án điện gió, điện hạt nhân.
Chia cổ tức 16%, bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT
Cũng tại đại hội, cổ đông Vinaconex đã thông qua phương án tăng tỷ lệ chia cổ tức của năm 2024 lên 16%, bao gồm 8% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu, tăng so với tỷ lệ 10% đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Về kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 8 cổ phiếu mới, Vinaconex dự kiến sẽ phát hành thêm gần 47,9 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025, sau khi được UBCKNN chấp thuận. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 5.985,9 tỷ đồng lên 6.464,8 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2025, Vinaconex cũng lên kế hoạch duy trì mức chia cổ tức với tỷ lệ 16%.
Ngoài ra, đại hội đã thông qua miễn nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 đối với ông Đào Ngọc Thanh và bà Trần Thị Thu Hồng do có đơn xin từ nhiệm; đồng thời bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT thay thế là ông Trần Đình Tuấn và ông Lê Minh Tú (Thành viên HĐQT độc lập).
Ông Trần Đình Tuấn hiện là Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty CP Đầu tư Pacific Holdings, Chủ tịch HĐQT Vimeco, CEO Công ty CP Vinaconex thiết kế và nội thất, Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Vinaconex Quảng Ninh, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Vinaconex, nắm giữ 25.071 cổ phần tổng công ty.
Ông Lê Minh Tú hiện là Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đô thị Việt Nam (Vinacity), Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp Hòa Bình.