Sáng 21/6, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023. Tại đại hội, một trong những nội dung được nhiều cổ đông quan tâm là vai trò của các nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhóm ông Dương Công Minh.
Trả lời câu hỏi cho rằng gần đây mạng xã hội lan truyền tin đồn ông Dương Công Minh và nhóm cổ đông thân cận đã lập kế hoạch thâu tóm Bamboo Airways, ông Lê Bá Nguyên - Thành viên HĐQT Bamboo Airways, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn FLC và anh vợ ông Trịnh Văn Quyết, người sáng lập Bamboo Airways - cho biết năm 2021 và 2022, ngành hàng không gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2022, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways xảy ra sự cố đáng tiếc liên quan tới lãnh đạo của tập đoàn. Điều này khiến tình hình tài chính của Bamboo Airways gặp khó khăn, các tổ chức tín dụng ngưng giao dịch, các nhà cung cấp yêu cầu thanh toán các nghĩa vụ, các chủ tàu bay đòi nợ,...
"Trong thời điểm khó khăn đó, nhóm nhà đầu tư mới được cố vấn bởi ông Dương Công Minh đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng. Với nguồn lực đó, hãng đi được đến ngày hôm nay và đang đặt các bước đi cho giai đoạn tiếp theo", ông Nguyên thông tin.
Cũng theo ông Nguyên, cổ phần Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC đều đã thế chấp tại các ngân hàng khác nhau cho các khoản vay. Do đó, việc đàm phán giữa gia đình ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC và nhóm cổ đông mới được các tổ chức định giá, kiểm toán có uy tín.
Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư mới cũng cam kết thực hiện nghĩa vụ với các ngân hàng khi nhận chuyển nhượng số cổ phần.
Việc chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways từ ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC (tập đoàn hiện chưa chính thức chuyển nhượng nhưng đã có thoả thuận) cho các nhà đầu tư mới đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, tuân thủ theo quy trình, quy định của pháp luật và giám sát chặt chẽ của Bộ Công an.
"Các thông tin sai sự thật, xuyên tạc ảnh hưởng đến danh dự nhóm cổ đông mới sẽ gây ảnh hưởng đến Bamboo Airways, gây mất đoàn kết nội bộ,… nên giai đoạn này rất cần phải thông tin chính xác, tránh đưa thông tin xuyên tạc, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến nhà đầu tư mới", ông Nguyên nhấn mạnh.
Tại sao mời cựu lãnh đạo Japan Airlines tham gia cố vấn và HĐQT công ty?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Bamboo Airways cho biết, ông Masaru Onishi và ông Hideki Oshima là các cựu lãnh đạo của Japan Airlines có rất nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành, phát triển mảng quan hệ quốc tế và tham gia các liên minh hàng không lớn.
Cùng với đó, đây cũng là những nhân sự đã tham gia trong công cuộc tái cấu trúc thành công Japan Airlines, từ một hãng hàng không bên bờ vực phá sản trở nên có lãi. Japan Airlines hiện là hãng hàng không lớn trên thế giới, lớn thứ hai tại Nhật Bản.
Bamboo Airways tin tưởng rằng với sự tham gia của ông Masura và ông Hideki sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và tính kỷ luật trong công tác quản trị, mở rộng mạng lưới thị trường quốc tế và các liên minh hàng không tại Bamboo Airways.
Tại sao công ty lại có 3 đại diện theo pháp luật?
Ông Trọng khẳng định Bamboo Airways đang quyết liệt cơ cấu lại để vừa ổn định bộ máy, vừa chuẩn bị cho những chiến lược lớn, dài hạn. Để thực hiện tốt khối lượng công việc khổng lồ, quan trọng như vậy bắt buộc toàn bộ bộ máy. Theo đó, công ty sẽ phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa HĐQT và Ban điều hành.
Còn về việc công ty cần tới 3 người đại diện pháp luật, ông Trọng cho biết, theo quy định tại Điều lệ sửa đổi của công ty và tuân thủ quy định Luật Doanh nghiệp, công ty có 3 đại diện theo pháp luật để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản trị hệ thống bởi vì hoạt động hàng không có tính đặc thù, với những mạng hoạt động chuyên sâu bao gồm quản trị vận hành khai thác bay, quản trị tài chính và quản trị công ty.
Dự kiến kết quả kinh doanh của Bamboo Airways trong 2023 như thế nào? Mục tiêu cơ bản trong kinh doanh của công ty trong 3-5 năm tới là gì?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID và cần thời gian để hồi phục. Trong năm 2023, hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways dự kiến vẫn sẽ lỗ, tuy nhiên công ty sẽ cố gắng để giảm lỗ 50% so với năm 2022, 2024 cố gắng thoát lỗ và năm 2025-2026 có lãi.
Năm 2023, Bamboo Airways định hướng tăng trưởng kinh doanh trên hai con số, trong khoảng 15-20% tùy theo diễn biến thị trường. Hãng cũng dự kiến phát triển đội tàu bay đến cuối năm 2023 đạt 30-36 máy bay, chủ yếu là máy bay thân hẹp.
Là một hãng hàng không lớn, nhưng tài sản dài hạn của công ty chủ yếu là các khoản đầu tư mà không phải là tài sản cố định ví dụ như tàu bay, trụ sở.... Đây cũng là một yếu tố khiến các cổ đông hoặc các nhà đầu tư băn khoăn. Công ty có thể giải thích thêm về mục đích sử dụng nguồn vốn trong cơ cấu tài sản không?
Ông Nguyễn Minh Hải, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, các khoản mục đầu tư dài hạn trên báo cáo tài chính là từ năm 2022 trở về trước. Hiện tại, công ty đang xem xét, đánh giá lại các khoản đầu tư trên để có cơ sở đưa ra các quyết định đúng đắn, đảm bảo lợi ích cao nhất của công ty.
Trước mắt, công ty sẽ tập trung mục tiêu khai thác hiệu quả để đảm bảo tối ưu hoá hoạt động kinh doanh, ổn định tổ chức. Việc tái cơ cấu nguồn vốn cũng nằm trong kế hoạch, nhưng ưu tiên vào việc sắp xếp, đánh giá lại toàn bộ nguồn lực của công ty để phù hợp định hướng phát triển chung của công ty.
Trong năm 2022,Bamboo Airways trích lập dự phòng gần 11.000 tỷ phải thu từ cho vay, các khoản cho vay này có tài sản đảm bảo không? Ban lãnh đạo của công ty có kế hoạch gì để thu hồi các khoản cho vay này? Và trách nhiệm của ban lãnh đạo công ty như thế nào?
Theo ông Nguyễn Minh Hải, các khoản cho vay của công ty có tài sản đảm bảo của bên vay hoặc bên thứ ba được thể hiện trong BCTC kiểm toán năm 2021 - 2022, hiện tại công ty đang triển khai thu thập, bổ sung các hồ sơ cần thiết để thu hồi tối đa các khoản cho vay kể cả trường hợp phải thực hiện thu hồi các tài sản được thế chấp.
Toàn bộ các khoản cho vay, hợp tác kinh doanh dẫn tới phải trích lập dự phòng thuộc thời kỳ trước khi nhà đầu tư mới tham gia, ban lãnh đạo công ty hiện tại đang nỗ lực để xử lý các tồn tại của công ty trong giai đoạn trước.
Việc đánh giá khả năng thu hồi của khoản tiền cho vay ngắn và dài hạn để thực hiện trích lập dự phòng theo quy định của Bộ Tài chính và chuẩn mực kế toán, chưa đủ cơ sở để đánh giá một cách chắc chắn về khả năng thu hồi số tiền trên.
Hiện tại, công ty đang theo dõi sát sao, liên hệ thường xuyên với các công ty cho vay để thực hiện đối chiếu, yêu cầu thu hồi nợ đối với các khoản vay đến hạn. Trong trường hợp không thu hồi được số tiền cho vay trên, công ty sẽ căn cứ vào quy định của điều lệ và các quy chế quản lý của công ty để đánh giá trách nhiệm các cá nhân liên quan.
Với kết quả kinh doanh như hiện tại, Bamboo Airways dự kiến bao giờ sẽ IPO?
Ông Nguyễn Minh Hải cho biết, IPO không phải là mục tiêu mà là phương tiện, đích đến của Bamboo Airways không phải là IPO. Khi IPO thì doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện và khi IPO sẽ có sự tham gia giám sát của đại chúng, nên bắt buộc hoạt động của ban điều hành phải minh bạch hơn. Tất nhiên, khi thành công ty đại chúng, doanh nghiệp cũng tăng khả năng huy động nguồn lực.
Về lộ trình, Bamboo Airways sẽ chọn thị trường Việt Nam trước. Tuy nhiên, căn cứ luật chứng khoán doanh nghiệp phải kinh doanh có lãi thì mới được lên sàn. Như vậy, dự kiến, đến cuối năm 2026 khi công ty có lãi hai năm liên tiếp thì sẽ đủ điều kiện IPO.
Bầu 7 thành viên HĐQT mới
Cũng tại đại hội, cổ đông Bamboo Airways đã thông qua tờ trình miễn nhiệm chính thức chức vụ thành viên HĐQT đối với các ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Nguyễn Mạnh Quân.
Các thành viên HĐQT mới của Bamboo Airways ra mắt đại hội
Đồng thời, đại hội đã bầu mới 7 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ năm 2023 -2028 theo danh sách do nhóm cổ đông lớn tại Bamboo Airways gồm ông Lê Thái Sâm (nắm 38,28% vốn) và Doãn Hữu Đoàn (nắm 16,85% vốn) đề cử.
Trong đó, ông Lê Thái Sâm và ông Doãn Hữu Đoàn tự ứng cử nhiệm kỳ mới, đồng thời tái đề cử ông Nguyễn Ngọc Trọng, Lê Bá Nguyên vào danh sách thành viên HĐQT và giới thiệu 3 ứng viên khác gồm các ông: Phan Đình Tuệ, Trần Hòa Bình và Hideki Oshima.
Trong số 3 ứng viên mới, ông Phan Đình Tuệ vừa thôi chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 15/6. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục giữ vai trò thành viên HĐQT tại ngân hàng này nhiệm kỳ 2022 – 2026.
Ông Hideki Oshima là một trong hai cựu lãnh đạo Japan Airlines - hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản mới gia nhập đội ngũ lãnh đạo cấp cao ở Bamboo Airways. Người còn lại là cựu Chủ tịch Japan Airlines Masaru Onishi cũng dự kiến giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.
Ứng viên còn lại là ông Trần Hòa Bình, một nhân vật có khá ít thông tin công khai từ Bamboo Airways. Trong phần giới thiệu về ứng viên, ông Trần Hòa Bình sinh ngày 16/5/1975 và thường trú ở The Prince Residence, 17-19-21 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Theo tìm hiểu, ông Trần Hòa Bình hiện đang đứng tên và là cổ đông sáng lập của CTCP One World Investment, CTCP Owi, CTCP Saigon Racing.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ Bamboo Airways cũng đã thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ nhân sự Ban Kiểm soát gồm ông Trần Anh Tuấn, ông Phạm Văn Hùng và ông Nguyễn Đăng Khoa. Đồng thời, bầu bổ sung 3 thành viên thay thế cho nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm bà Nguyễn Thị Hữu (1980), bà Nguyễn Bích Ngọc (1980) và ông Nguyễn Đăng Khoa (1994).