“Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”
Đáng chú ý năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, do vậy, Chính phủ yêu cầu, trong năm 2025, các bộ, ngành cơ quan trung ương và địa phương ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch trung hạn; đồng thời bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới trong thời gian tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường chia sẻ với báo chí tại kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khoá XV rằng, để có thể hoàn thành mục tiêu năm 2025, khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố con người có vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công của kế hoạch. Do vậy, đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực y tế và giáo dục. Ít nhất phải phân bổ đủ vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu và sau khi đầu tư xong sẽ giao cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ.
“Nếu chúng ta đảm bảo được mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao thì đây sẽ là động lực mạnh để phát triển đất nước bền vững”, Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Nhìn vấn đề với góc độ nghiên cứu, ThS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất cần đánh giá toàn diện chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Bên cạnh đó, đầu tư công phải thực sự giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là "vốn mồi" để huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tạo không gian, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò của đầu tư công theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức PPP.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, với năm 2025, yêu cầu được đặt ra là “cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm”.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, chuyện sớm phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án là điều quan trọng. Ở góc độ khác, việc nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án cũng là điều kiện tiên quyết để ngay khi có vốn, dự án có thể được đưa vào thực hiện, giải ngân, không để tình trạng “vốn chờ dự án” như lâu nay.
“Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
Nhìn lại năm 2024, ngay từ đầu năm một số bộ, ngành địa phương đã “bắt tay” vào triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, nhiều cơ quan đơn vị gặp khó khăn đã làm hạn chế tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 31/11/2024, cả nước giải ngân được hơn 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% tổng kế hoạch; đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó có Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Long An, tỉnh Thái Bình, tỉnh Tiền Giang… có tỷ lệ giải ngân trên 70%. Có một số bộ ngành và địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Các khó khăn vướng mắc được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ đó là vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật; vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến chi phí giải phóng mặt bằng; thủ tục đất đai, chuyển đổi đất rừng, thủ tục giao đất; thủ tục sắp xếp lại cơ sở nhà đất; các khó khăn, vướng mắc do tình hình thời tiết phức tạp, mưa bão, sạt lở,… đồng thời, đề xuất các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm.
Để gỡ khó cho giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ về đích đạt 95%, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng là rất cần thiết.
Phó Thủ tướng cho biết, nhằm tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét ban hành 1 luật sửa đổi và 4 luật liên quan đến đầu tư công với những quy định mới, tiến bộ, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc triển khai các dự án đầu tư công theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Theo đó, vốn đầu tư sau khi được các bộ, ngành, địa phương trình lên sẽ giao danh mục về cho địa phương quyết định làm; địa phương được điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, không phải trình lên trên, miễn là không vượt tổng mức vốn giao cho địa phương.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nếu để dự án dở dang sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Với các dự án liên quan đến công nghệ, nếu kéo dài thời gian, công nghệ sẽ lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu cuối năm 2024 phải đạt được chỉ tiêu giải ngân 95% như cam kết và phải nỗ lực, làm ngày, làm đêm, thủ tục phải kịp thời, bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát. Những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị đã “cán đích” mục tiêu mà Quốc hội giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu
Mặc dù tiến độ giải ngân nói chung còn chậm, nhưng chuyên gia kinh tế, PGS. TS Trần Đình Thiên đánh giá, có những dự án hoàn thành với tiến độ rất ấn tượng như giải ngân dự án đường dây 500 kV mạch 3 là “điều thần kỳ” chỉ trong 6 tháng. Bên cạnh đó là tốc độ giải ngân sân bay Long Thành. Hai dự án “khủng” tưởng chừng như giải ngân sẽ rất khó nhưng với sự chỉ đạo và triển khai quyết liệt đã hoàn thành giai đoạn đầu rất tốt. Từ kinh nghiệm hay của 2 dự án này chúng ta sẽ tìm ra bài học cho các dự án khác.
Trước đó, hồi giữa năm 2024, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, chia sẻ về kinh nghiệm kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, ngành giao thông đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, đó là ngành GTVT quán triệt và thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Công tác chỉ đạo điều hành thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương chính là yếu tố quyết định trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ hai, Bộ GTVT thực hiện phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, xác định trách nhiệm người đứng đầu gắn với xếp loại và kiểm tra công vụ. Có giám sát, đánh giá, khen thưởng, phê bình, kỷ luật, làm việc nào dứt việc đó.
Thứ ba, Bộ GTVT tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong thời gian nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được giao trong năm 2024, ngay từ đầu năm Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Kinh nghiệm của Bộ GTVT cho thấy, cần gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu, phân công cụ thể, việc nào, thời gian nào, thời điểm nào, hoàn thành tiến độ được đến đâu và đi liền với đó là phải đôn đốc, kiểm tra, giám sát, chặt chẽ… không né tránh, không sợ trách nhiệm, có như thế mới đảm bảo được tiến độ của giải ngân vốn đầu tư công.