
Trong khi đó, báo cáo cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ gia tăng cũng phần nào gây áp lực lên tâm lý thị trường.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 20 xu Mỹ, lên 76,24 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 30 xu Mỹ, xuống còn 71,95 USD/thùng. Giá dầu WTI kỳ hạn giao tháng 3/2025 sẽ đáo hạn vào ngày 20/2, trong khi hợp đồng giao tháng 4 - có khối lượng giao dịch lớn hơn - tăng 21 xu Mỹ, lên 72,31 USD/thùng.
Theo số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 3,34 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 14/2). Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố vào ngày 20/2, sau khi bị hoãn một ngày do kỳ nghỉ lễ tại Mỹ. Các nhà phân tích dự báo dự trữ dầu thô Mỹ tăng khoảng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/2. Nếu đúng, đây sẽ là tuần thứ tư liên tiếp dự trữ dầu của Mỹ tăng, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 4/2024.
Ngoài ra, chính sách thuế nhập khẩu mới do chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố cũng có thể tác động tiêu cực đến giá dầu. Theo các nhà phân tích, thuế nhập khẩu cao hơn có thể làm tăng chi phí hàng tiêu dùng, gây suy yếu nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Những lo ngại về nhu cầu tại châu Âu và Trung Quốc cũng đang kìm hãm đà tăng của giá “vàng đen”.
Ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa tại SEB, nhận định: "Việc ông Donald Trump phá vỡ cấu trúc thương mại tự do toàn cầu bằng cách áp thuế nhập khẩu ô tô 25% vào Mỹ khiến thị trường lo lắng về triển vọng kinh tế toàn cầu".
Trong một diễn biến khác, Nga cho biết dòng chảy dầu từ đường ống Caspian Pipeline Consortium - tuyến vận chuyển dầu quan trọng từ Kazakhstan - đã giảm 30-40% vào ngày 18/2, sau khi một trạm bơm bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công. Theo tính toán của Reuters, mức giảm 30% tương đương với việc thị trường mất khoảng 380.000 thùng dầu mỗi ngày.
Tuy nhiên, một số yếu tố khác có thể giúp nguồn cung dầu tăng trở lại, gây áp lực lên giá dầu. Tại Trung Đông, Israel và Hamas dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp về giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Diễn biến này có thể làm giảm rủi ro gián đoạn nguồn cung, từ đó gây áp lực giảm lên giá dầu.
Bên cạnh đó, khả năng khôi phục dòng chảy dầu từ khu vực Kurdistan của Iraq cũng đang cân bằng lại các rủi ro về nguồn cung. Các nhà phân tích tại ING cho biết: "Có thông tin cho rằng nguồn cung từ khu vực này có thể sớm được nối lại sau khi bị gián đoạn từ đầu năm 2023. Nếu điều đó xảy ra, thị trường có thể đón nhận thêm 300.000 thùng dầu mỗi ngày".