Đây là nội dung Bộ Công Thương báo cáo Uỷ ban Kinh tế sau khi ghi nhận góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, dự thảo nghị định sửa đổi sẽ tập trung vào sửa công thức tính giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành/công bố giá, quy định cụ thể hơn về dự trữ lưu thông bắt buộc.
Dự thảo cũng có các điều khoản chặt chẽ hơn, quy định phù hợp hơn về việc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện đối với thương nhân kinh doanh đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng được yêu cầu thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.
Một điểm đáng chú ý quy định tại nghị định là đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được lấy từ nhiều nhà cung cấp (thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối) thay vì chỉ một nguồn như hiện nay.
Theo Bộ Công Thương, thực tế thị trường có nhiều đơn vị cung ứng nên việc cho phép đại lý chọn, thay đổi đơn vị cấp hàng sẽ linh hoạt về nguồn, nhất là khi thị trường biến động. Việc các đại lý chỉ được lấy từ một nguồn như hiện tại, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, là một trong số nguyên nhân khiến họ chịu thiệt thòi, thua lỗ khi thị trường biến động hơn một năm qua.
Đáng chú ý, việc mở cửa cho phép doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn cũng là quan điểm và kiến nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong góp ý sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Theo VCCI, chất lượng xăng dầu vẫn có thể kiểm soát tốt mà không cần giới hạn quan hệ phân phối 1 - 1 (một doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một thương nhân phân phối).
Hiện nay, mỗi khi giao xăng dầu từ xe bồn cho các cửa hàng bán lẻ, các bên luôn tiến hành lấy và lưu mẫu hàng hoá. Nếu chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng có vấn đề thì luôn có thể kiểm tra lại các mẫu xăng trên, truy nguồn để xác định trách nhiệm của các bên.
Hơn nữa nhiều nhà phân phối xăng dầu đang nhập hàng từ nhiều đầu mối nên việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn không có nhiều ý nghĩa.
VCCI cũng cho rằng, lo ngại cho phép cơ sở bán lẻ nhập hàng của nhiều nguồn sẽ dẫn đến không có đơn vị phân phối chịu trách nhiệm cung cấp xăng dầu là không có căn cứ. Hiện nay, các đơn vị bán buôn khi thiếu nguồn hoặc muốn găm hàng vẫn dừng cung cấp hàng cho đơn vị bán lẻ (bằng cách nâng giá bán buôn lên hay cắt chiết khấu xuống) mà pháp luật không có cách nào hạn chế tình trạng này. Thêm vào đó, khi cho phép nhập hàng của nhiều nhà cung cấp thì bên bán lẻ chủ động hơn và rủi ro đứt gãy nguồn cung giảm đi.
Hiện dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền dự thảo nghị định này.
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao cơ quan soạn thảo nghiên cứu các quy định về chi phí kinh doanh, hoàn trả phần lợi nhuận cho khâu bán lẻ, trong quá trình sửa các quy định về kinh doanh xăng dầu.