Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá.
Phần lớn các đại biểu bày tỏ nhất trí việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương; đồng thời để khai thác hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần làm rõ, đặc biệt là tiêu chí xác định đâu là "biển số xe đẹp".
Đáp ứng nhu cầu, tăng thu ngân sách và minh bạch
Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng, lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là mong muốn người dân được lựa chọn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mỗi người. Việc ban hành chính sách để đấu giá biển số xe (tức là coi biển số xe là một loại hàng hóa hay một loại tài sản đấu giá) vừa giải quyết nhu cầu của người dân được quyền lựa chọn, đồng thời lại có thêm nguồn thu ngân sách. Đây là một chủ trương đúng, cần phải được triển khai thực hiện.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu RƠ CHÂM H′PHIK (tỉnh Gia Lai) cho rằng, Nghị quyết này rất phù hợp với thực tiễn, bởi vì khi một cá nhân mua xe đẹp chắc chắn họ sẽ mong muốn có một số đẹp nó phù hợp với mình, đặc biệt với những người có điều kiện về kinh tế.
“Để phục vụ sở thích của mình họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua cho mình số xe vừa ý mình. Tôi nghĩ rằng thứ nhất nó vừa tạo sự công bằng của cá nhân khi sở hữu biển số xe đẹp, thứ hai cũng tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước của chúng ta”, đại biểu tỉnh Gia Lai nhìn nhận.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương), Việt Nam có kho tàng biển số xe theo quan niệm là biển số xe đẹp, nếu chúng ta đưa ra đấu giá thì phần thu nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy nguồn thu, và nếu thực hiện được sẽ góp phần rất lớn trong minh bạch quản lý các tài sản quốc gia.
Cần làm rõ tiêu chí xác định “biển số xe đẹp”
Lường trước những vấn đề khó khăn khi thực hiện thí điểm, đại biểu Trần Công Phàn (tỉnh Bình Dương) đặt vấn đề rằng số nào sẽ được quyết định đưa ra đấu giá, trong dự thảo Nghị quyết chưa đưa ra tiêu chí thế nào là biển số đẹp, thế nào là biển số xấu...
“Với nhiều người, số rất xấu thì lại rất đẹp, biển nào sẽ được quyết định đem ra đấu giá, ai sẽ quyết định đem ra đấu giá. Do đó, tiêu chí phải rõ, trong một dãy số phải có quy định những số nào là số đẹp để đem ra đấu giá”, đại biểu Trần Công Phàn nêu vấn đề.
Cũng băn khoăn, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), trong Dự thảo Nghị quyết không quy định rõ “thế nào là biển số xe đẹp” và không có danh mục “biển số xe đẹp”. Do đó cần quy định rõ “biển số xe đẹp”, “thành lập hội đồng quyết định và đưa ra danh mục biển số xe đẹp” để người có nhu cầu lựa chọn biển số và tham gia đấu giá.
"Cần có một hội đồng quyết định danh sách biển xe đẹp và nói rõ thế nào là bảng số xe đẹp, tránh tình trạng một cơ quan đưa số nào cũng được”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng, kho số là tài sản công, biển số là của cá nhân nhưng Nghị quyết này đang coi biển số là tài sản công thì chưa phù hợp. Do đó, cần định nghĩa thế nào là số đẹp, phân chia các loại số đẹp, bởi nếu không có khái niệm về vấn đề này thì không tổ chức thực hiện được.
Sẽ công khai danh mục đấu giá trước 45 ngày
Cung cấp thông tin tại thảo luận tổ, đại biểu Vũ Huy Khánh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – cơ quan chủ trì thẩm tra Dự thảo Nghị quyết) cho biết, nhu cầu sở hữu biển số theo ý muốn, “biển số xe đẹp” có từ rất lâu nhưng cơ sở pháp lý chưa chắc chắn nên việc Chính phủ trình Quốc hội lần này nhằm thí điểm áp dụng chính thức trên toàn quốc.
Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy. Việc giới hạn như vậy là phù hợp, sau thí điểm có thể nghiên cứu mở rộng nếu hiệu quả.
Về vấn đề đại biểu đặt ra “ai là người quyết định biển số nào mang ra đấu giá? Không có xe thì tham gia đấu giá được không?”, cung cấp thêm thông tin, đại biểu Vũ Huy Khánh cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, danh mục số được đưa ra đấu giá sẽ được xác định trước 45 ngày trước khi nguồn dãy số được đưa ra, công bố phục vụ công tác quản lý.
“Ví dụ biển ô tô Hà Nội đang K và từ 1/1/2023 chuyển sang đầu M thì trước đó 45 ngày cơ quan đăng ký thông báo công khai về dãy số đầu M để người dân quan tâm lựa chọn. Nếu trong 1 vạn biển số đó có khoảng 3.000 người quan tâm, dù chỉ 1 người, thì số này đưa vào danh mục đấu giá. Các số còn lại sẽ nằm trong kho bấm số ngẫu nhiên” – đại biểu Khánh phân tích.
Đồng thời, đại biểu Vũ Huy Khánh cũng nhấn mạnh, không giới hạn mỗi người đấu giá bao nhiêu biển mà “cứ có tiền là có thể tham gia đấu giá, không giới hạn”; tuy nhiên, biển số đã trúng thì không được đem đi đấu giá tiếp.