Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021, tuy nhiên sang năm 2022 những rủi ro đầu tư đã bộc lộ qua một số sai phạm xảy ra hồi đầu năm khiến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm.
Cũng vì lẽ đó mà năm 2022 thị trường TPDN trầm lắng với tổng giá trị phát hành giảm 64%, chỉ đạt 269.733 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm 97%, đạt 261.934 tỷ đồng; phát hành ra công chúng đạt 7.799 tỷ đồng.
Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trong năm 2022, chiếm 56%, đạt 151.141 tỷ đồng (giảm 45% so với cùng kỳ). Tiếp theo là nhóm bất động sản (BĐS) với 62.310 tỷ đồng, chiếm 23% (giảm 79% so với năm 2021. Nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 6,5% và 14,3% tổng giá trị phát hành trong 2022.
Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ dồn vào trong quý 2 và 3/2023
Trong báo cáo về thị trường TPDN vừa công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, trong quý 1/2023 tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn ước tính giảm 40% so với quý 4/2022, đạt 30.655 tỷ đồng (tăng 247% so với cùng kỳ).
Dù hạ nhiệt trong quý 1 nhưng áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2 và 3 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn TPDN trong quý 4 dự kiến giảm 33% so với quý trước về mức 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).
Trong cả năm 2023, VNDirect ước tính, giá trị đáo hạn TPDN sẽ đạt 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với năm 2021. Trong đó, BĐS là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ, tương đương 102.570 tỷ đồng, tăng 76% so với năm ngoái.
Các doanh nghiệp BĐS có giá trị đáo hạn TPDN cao nhất năm 2023 gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (14.476 tỷ đồng), CTCP Saigon Glory (7.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang (4.960 tỷ đồng).
Tiếp đến là nhóm ngành tài chính - ngân hàng với tỷ trọng 37%, tương đương 100.824 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 gồm: NHTMCP Phát triển TP.HCM (14.048 tỷ đồng), NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (13.650 tỷ đồng) và NHTMCP Bưu điện Liên Việt (9.900 tỷ đồng).
Các ngành khác chiếm 25,5% tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2023, đạt 69.459 tỷ đồng (tăng 122,4% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp ngoài nhóm BĐS và tài chính - ngân hàng có giá trị đáo hạn cao nhất gồm CTCP Tập đoàn Sovico (16.350 tỷ đồng), CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh (3.600 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải (2.990 tỷ đồng).
Nhiều doanh nghiệp "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán
Trong bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu ngày càng tăng, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị được hoãn, giãn nợ với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền.
Gần đây nhất, CTCP BCG Energy, thành viên của Bamboo Capital (mã BCG) cho biết đã đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư liên quan đến việc thanh toán gốc trái phiếu. Theo đó, phần gốc của trái phiếu sẽ được thanh toán từng đợt và thời hạn thanh toán khoản nợ gốc trái phiếu cuối cùng sẽ chuyển đến ngày 30/6/2023, thay vì ngày 5/9/2022 như ban đầu.
Đây là lô trái phiếu chuyển đổi không tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền được BCG Energy phát hành riêng lẻ vào ngày 4/9/2019 cho Hanwa Energy Corporation Singapore Pte.Ltd với giá trị gần 116 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn ba năm, đáo hạn vào 5/9/2022, lãi suất phát hành thực tế 7%/năm, tiền lãi sẽ được trả 6 tháng/lần.
Hồi đầu tháng 2, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (AGM) thậm chí còn tổ chức hội nghị chủ sở hữu trái phiếu tại tỉnh An Giang để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai lô trái phiếu mã AGMH2123001 và AGMH2223001. Trong đó, lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2022, Angimex cũng tuyên bố mất khả năng thanh toán tiền lãi của hai lô trái phiếu trên (lãi suất 7%/năm) khi đến kỳ trả lãi (3 tháng/lần). Lý do công ty nêu ra là do các sự kiện bất khả kháng về nhân sự cùng chính sách tiền tệ bị thắt chặt trên thị trường tài chính hiện nay đã mang lại nhiều khó khăn cho doanh nghiệp này.
Trong tháng 1/2023, CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN) thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022 có giá trị phát hành 300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, hạn thanh toán gốc và lãi của lô trái phiếu là vào ngày 3/1/2023, tuy nhiên đến thời điểm này công ty mới thanh toán được toàn bộ tiền lãi 8 tỷ đồng và 90 tỷ đồng tiền gốc, hiện vẫn còn nợ nhà đầu tư 210 tỷ đồng nợ gốc.
Với lý do tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho công ty khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng, Hưng Thịnh Incons đã “khất” nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3/2023.
Tương tự, giữa tháng 1, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cũng xin lùi thời hạn thanh toán gốc và lãi hơn 180 tỷ đồng của lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm) với lãi suất 10%/năm. Công ty cho biết, đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn và kéo dài thời gian trả gốc, lãi, thời điểm thanh toán chưa được công ty công bố.
Theo Đức Long Gia Lai nguyên nhân doanh nghiệp xin lùi thời điểm thanh toán nợ trái phiếu là do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt…, dẫn đến dòng tiền còn hạn chế.
Như vậy, có thể thấy, ngoài lý do tín dụng bị thắt chặt, tình hình kinh doanh thua lỗ trong năm tài chính 2022, đặc biệt là trong quý 4 là điểm chung khiến hầu hết các doanh nghiệp trên phải xin hoãn trả nợ trái phiếu đến hạn.
Theo đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 của Đức Long Gia Lai cho thấy, quý 4 vừa qua doanh nghiệp lỗ kỷ lục gần 505 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ ba liên tiếp của doanh nghiệp này. Lũy kế cả năm 2022, công ty lỗ sau thuế tới 885 tỷ đồng, chỉ sau mức lỗ kỷ lục 930 tỷ đồng của năm 2020.
Với Hưng Thịnh Incons, quý 4/2022 cũng là quý kinh doanh kém sắc của doanh nghiệp này khi doanh thu sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2021 và lợi nhuận sau thuế thậm chí âm gần 45 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 98 tỷ. Đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên của Hưng Thịnh Incons kể từ khi niêm yết. Tính chung cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 5.465 tỷ đồng và lãi sau thuế 88 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,3% và 63,5% so với năm trước.
Còn tại Angimex, quý 4 vừa qua, doanh thu thuần hợp nhất của công ty giảm 77% so với cùng kỳ, còn gần 363 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn và các chi phí tăng cao đã khiến công ty lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng - mức lỗ lớn nhất theo quý kể từ năm 2008.
Với 3 quý lỗ liên tiếp, lũy kế cả năm 2022, Angimex lỗ kỷ lục hơn 140 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 45 tỷ đồng.