Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về dòng tiền, dẫn đến vi phạm hợp đồng thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho các trái chủ.
Mới đây, sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng có thông báo, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (Mã chứng khoán : HTN) đang chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002.
Đây là trái phiếu có kỳ hạn một năm và đã đáo hạn vào ngày 31/12/2022 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 300 tỷ đồng, thời điểm thanh toán theo kế hoạch vào ngày 3/1.
Hưng Thịnh Incons báo cáo đã hoàn trả toàn bộ tiền lãi hơn 8 tỷ đồng vào ngày 3/1. Tuy nhiên, công ty chỉ mới thanh toán được số tiền gốc 90 tỷ đồng (so với tổng nợ gốc 300 tỷ đồng).
Hay Hoàng Anh Gia Lai cũng thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tới hạn đối với mã trái phiếu HAGLBOND16.26 với tổng giá trị cần trả cho trái chủ hơn 1.021 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này có lịch trả nợ vào ngày 30/12/2022, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023, với lý do chưa thu hồi được tiền nợ từ HAGL Agrico (đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên với ngân hàng) và thanh lý tài sản.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã đẩy mạnh mua lại trước hạn 39.542 tỷ đồng trái phiếu trong tháng cuối năm 2022, tăng 39% so với cùng kỳ. Tổng giá trị mua lại trong cả năm đạt hơn 210.573 tỷ đồng, tăng 46% so năm 2021.
Trong tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị gần 17.500 tỷ đồng, chủ yếu tại nhóm bất động sản và xây dựng.
Cụ thể, tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10,5 ngàn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5,9 ngàn tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.