Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/8/2023, có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại. Điều này dẫn đến thay đổi mức vay của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định. Cụ thể, có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại hơn 5.565 tỷ đồng, 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại hơn 349 tỷ đồng.
Trong các địa phương này, TP. Hồ Chí Minh là địa phương trả lại dự toán nhiều nhất, chiếm 50% tổng số kế hoạch vốn trả lại. Bộ Tài chính đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần nghiêm túc rà soát lại cách thức lập kế hoạch vốn để đảm bảo hiệu quả, phù hợp.
Riêng đối với UBND thành phố Hà Nội, ngay sau khi Ủy ban Tài chính Ngân sách họp thẩm định, thành phố đã có văn bản đề nghị không tăng dự toán vốn vay lại như đề xuất trước đó. Thậm chí tại văn bản này, thành phố còn xin giảm dự toán vay lại. Bộ Tài chính đề nghị Hà Nội cần “nghiêm túc rút kinh nghiệm” về rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn, nắm rõ khó khăn, vướng mắc và tình hình triển khai của các dự án để đảm bảo nhất quán, phù hợp khi xây dựng và đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn.
Nội dung điều chỉnh này đã được Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chờ ý kiến thẩm định chính thức từ Ủy ban Tài chính ngân sách.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, việc xin điều chỉnh giảm do các địa phương, chủ dự án không thực hiện tốt các khâu chuẩn bị dự toán như đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thiết kế… Điều này dẫn đến việc chậm trễ trong giải ngân dự án.
Trong đó, nhóm các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư chiếm lớn nhất, 47% tổng số tiền đề xuất giảm. Nhóm các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ có số tiền lớn thứ hai, chiếm 23%. Đây cũng là nhóm có số địa phương xin điều chuyển nhiều nhất.
Ngược lại, môt số địa phương xin điều chỉnh tăng kế hoạch vốn vay lại là do có dự án sẽ hết thời hạn giải ngân trong năm 2023 nên cần bổ sung kế hoạch vốn đề giải ngân. Cùng với đó là các tỉnh xin bổ sung để phù hợp với tiến độ triển khai trong năm 2023 của các dự án.
Năm nay, Chính phủ duyệt vốn vay lại từ nguồn nước ngoài, các nguồn khác cho các địa phương khoảng 27.200 tỷ đồng. Các địa phương phải trả nợ gần 5.000 tỷ đồng, gồm 2.800 tỷ nợ gốc và gần 2.190 tỷ tiền lãi.
Để hạn chế tình trạng xin điều chỉnh dự toán vay lại trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương đánh giá đúng khả năng giải ngân của các dự án, kiên quyết loại bỏ các dự án không có khả năng giải ngân. Các dự án trong năm giải ngân cuối cùng cần đánh giá khối lượng công việc còn lại, khả năng hoàn thành để đề xuất kế hoạch vốn phù hợp.
Bộ Tài chính đề xuất các Bộ tổng hợp hạn chế giao kế hoạch vốn đầu tư công kéo dài nguồn nước ngoài để tránh tình trạng thiếu kế hoạch vốn vay lại. Đồng thời, các Bộ cũng cần thận trọng hơn trong việc giao kế hoạch vốn với các dự án mới chưa ký Hiệp định vay, tránh việc đề xuất kế hoạch vốn cao hơn khả năng.