Tôm Việt có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Nhật
Dẫn số liệu từ Tổng cục hải quan, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 686,347 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2023. Top 5 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất lần lượt là Trung Quốc & Hongkong, Mỹ, Nhật Bản, EU và Úc.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc &Hongkong đạt 127,88 triệu USD, tăng 74,7 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, thị trường Hongkong đạt 74,7 triệu USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ; thị trường Mỹ đạt 120,75 triệu USD, tăng 16,1%; Nhật Bản đạt 102,98 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ; khối EU đạt 80,73 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ; Úc đạt 53,11 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường ngành hàng Tôm VASEP cho biết quý I/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 103 triệu USD, giảm hơn 2% so với cùng kỳ. Sau khi tăng 30% trong tháng 1/2024, xuất khẩu tôm sang Nhật giảm lần lượt 21% và 10% trong tháng 2 và 3.
Cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Nhật Bản trong quý I/2024, tôm chân trắng chiếm 69%, tôm loại khác chiếm 16%, còn lại là tôm sú. Xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng Việt Nam sang Nhật Bản trong quý đầu năm nay ghi nhận tăng ở cả nhóm sản phẩm tươi/đông lạnh và sản phẩm chế biến. Đối với tôm sú, chỉ sản phẩm chế biến ghi nhận tăng, các sản phẩm tôm sú tươi/đông lạnh giảm.
Quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản dao động từ 9-9,2 USD/kg. Giá trung bình tôm sú đông lạnh dao động từ 12,6 14,1 USD/kg. Giá trung bình xuất khẩu tôm sú và tôm chân trắng vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng đã tăng so với các tháng cuối năm 2023.
Tại Mỹ và EU tôm sơ chế đơn giản từ Ấn Độ, Ecuador với giá rẻ đang có lợi thế hơn so với Việt Nam. Tại Nhật Bản, người tiêu dùng nước này yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Các sản phẩm tôm phổ biến từ Việt Nam xuất sang Nhật Bản như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi… hiện vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường này.
“Mặc dù có lợi thế cạnh tranh tại Nhật Bản về các sản phẩm tôm chế biến nhưng có nhiều dấu chỉ cho thấy thị trường này đang tăng mua tôm từ Ecuador. Các nhà nhập khẩu tôm Nhật Bản có thể sẽ mua thêm tôm chân trắng nuôi ở Ecuador và Ấn Độ trong năm nay sau khi Mỹ áp thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ đối với 3 quốc gia cung cấp chính cho nước này. Nhật Bản không áp dụng thuế CVD đối với tôm”, bà Thu cho hay.
Nhập khẩu tôm nước ấm của Nhật Bản từ Ecuador đã tăng 4,5 lần trong 5 năm qua lên 7.034 tấn vào năm 2023, tăng 7%, trong khi nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan giảm lần lượt 7% và 17% so với năm trước. Người Nhật hiện đang mua tôm chân trắng còn vỏ, không đầu của Ecuador với giá 5,80 USD/kg size 31-40.
3 yếu tác động đến hoạt động nhập khẩu tôm
Theo VASEP có 3 yếu tố tác động lên hoạt động nhập khẩu tôm của thị trường Nhật Bản.
Thứ nhất, Nhật Bản tuy đã bị thu hẹp nhập khẩu tôm trong thập kỷ qua, nhưng nước này vẫn là một trong những thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và EU. Nhập khẩu tôm của Nhật Bản, cả tôm nước lạnh và nước ấm cộng lại, đạt tổng cộng 200.000 tấn vào năm 2023, chạm mức thấp nhất trong 40 năm.
Thứ hai, việc đồng yên mất giá cũng ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu thủy sản trong đó có nhập khẩu tôm. Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản, các hộ gia đình có từ hai người trở lên chi trung bình 2.075 JPY cho tôm vào năm 2023, không thay đổi so với một năm trước đó.
Đồng yên Nhật Bản giảm giá xuống mức thấp 34 năm cũng là một yếu tố khiến cho hoạt động nhập khẩu và sức mua thủy sản của Nhật Bản trong đó có tôm trở nên thận trọng hơn. Đồng yên ở mức 160 yên cho mỗi USD vào cuối tháng 4 năm nay do thanh khoản yếu trong kỳ nghỉ lễ ở Nhật Bản. Đồng yên cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục 171 yên/EUR.
Thứ ba, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Nhật Bản quy định rất nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với ngưỡng chấp nhận của chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản.
VASEP đã có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để Bộ này có ý kiến với phía Nhật Bản đề nghị họ ban hành các qui định về giới hạn tối đa cho phép (MRL) đối với kháng sinh Doxycycline ngang bằng với mức của các quốc gia khác như EU, Trung Quốc, New Zealand đang kiểm soát.