Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam vừa công bố báo cáo tháng 3/2023 với tiêu đề "Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng".
Báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.
Tại buổi công bố ngày 13/3, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã có những nhìn nhận về vụ việc sụp đổ của ngân hàng Sillicon Valley Bank (SVB) vào cuối tuần qua và hàm ý những chính sách với Việt Nam.
Bà Turk nhấn mạnh, thế giới đã vừa chứng kiến vụ đóng cửa của ngân hàng SVB, như vậy có thể thấy khả năng sẽ có thêm nhiều biến động trong kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nhìn từ vụ việc đó, Việt Nam cũng cần quan tâm đến một số ngân hàng nhỏ có thể sẽ phải đối mặt những khó khăn trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ. Vụ việc trên cũng cho thấy tầm quan trọng của việc phải giám sát khu vực tài chính, nắm vững các diễn biến và chuẩn bị cho khả năng sẵn sàng hành động.
WB nhận định, trong 6 tháng qua kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, tuy nhiên việc con số tăng trưởng cao như vậy có thể còn là do xuất phát điểm thấp.
Việt Nam đã rất chú trọng đến những hoạt động đầu tư và hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa nếu như có cách tiếp cận hiệu quả hơn trong đầu tư công, đảm bảo sự linh hoạt hơn trong việc điều chuyển.
Bà Turk khẳng định trong thời gian tới, chính sách tài khóa có vai trò rất quan trọng với Việt Nam. Bà Turk cho rằng Việt Nam không chỉ nên nghĩ tới việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 mà còn phải nghĩ đến tăng trưởng trong dài hạn, những gì Việt Nam đưa ra hiện nay sẽ có ý nghĩa trong 10 đến 20 năm tới.
Trong trường hợp thị trường tài chính có nhiều biến động, cơ quan quản lý của Nhà nước cần phải có ứng xử kịp thời để khôi phục niềm tin của thị trường, bà Turk khuyến nghị.
Tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại
Tác giả báo cáo của WB, chuyên gia kinh tế Dorsati Madani đã chỉ ra trong quý vừa rồi phục hồi tiêu dùng giảm dần. Từ cuối năm 2022, nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã dẫn đến tình trạng các đơn đặt hàng và xuất khẩu chậm lại, gây ra áp lực mới lên thị trường lao động.
Bà Madani nhận định, Việt Nam còn gặp một số vấn đề khiến việc thực hiện đầu tư công chưa đạt hiệu quả như mong muốn để đủ mạnh tác động đến nền kinh tế, liên quan đến giải phóng mặt bằng hoặc khó khăn trong triển khai, những hạn chế đến điều chỉnh các kế hoạch dự án.
Cũng theo bà Madani, trong thời gian qua, có những biến động ở khu vực tài chính toàn cầu, nó phản ánh ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm. Trường hợp của SBV đã can thiệp và kiểm soát được tình hình theo nhiều kênh.
Như vậy cũng cho thấy, trong khung chính sách, giám sát và cân đối tài sản của các ngân hàng, nếu Việt Nam hướng đến một quốc gia có thu nhập cao, cần phải phát triển khung giám sát và chính sách chặt chẽ hơn rất nhiều.
WB dự báo, sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3%. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động cơ bản là thấp từ hậu COVID-19 đang giảm dần.
Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Một chính sách tiền tệ linh hoạt—phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa, sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước.
WB đồng thời dự báo lạm phát trong năm tới của Việt Nam khoảng 4,5%, trong đó khoảng thời gian đầu năm khoảng trên 4,5% và giảm dần vào những tháng tiếp theo, tất nhiên sự chịu ảnh hưởng tác động giảm dần từ căng thẳng Nga – Ukraine.
Đẩy mạnh khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước
Trong thời gian tới, chuyên gia WB khẳng định có một số điểm đáng chú ý như tài khoản vãng lai sẽ cải thiện, chủ yếu nhờ khu vực dịch vụ du lịch phục hổi.
Về cán cân tài khóa cũng như nợ công, WB tính toán năm nay đóng góp của ngân sách với nền kinh tế sẽ cao hơn so với năm ngoái. Chính phủ sẽ triển khai một phần kế hoạch đầu tư đã lên từ năm 2021-2022, khu vực đầu tư sẽ phục hồi mạnh mẽ để đóng góp cho tăng trưởng GDP, FDI sẽ vẫn tiếp tục đổ Việt Nam, triển vọng kinh tế cải thiện trong quý 2.
Chuyên gia WB cũng dự báo vào năm 2024 và 2025, nền kinh tế sẽ tiếp đà tăng trưởng, lạm phát giảm dần xuống khoảng 3%. Tuy nhiên, chính sách tài khóa chưa đóng góp được tối đa cho nền kinh tế, WB khuyến nghị cần tăng cường đầu tư công và chi tiêu.
Nếu như có những áp lực lạm phát kéo dài ở châu Âu, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục bị thắt chặt, thị trường tài chính toàn thế giới sẽ ảnh hưởng trong đó có Việt Nam, gây ra áp lực với tỷ giá hối đoái danh nghĩa và nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu, làm suy giảm tăng trưởng.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi chưa đồng đều trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế xung quanh. Cơ quan chức năng cần phải xem xét về việc đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát, thậm chí sẵn sàng hy sinh tăng trưởng để hãm đà lạm phát.
Khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động, và năng suất lao động cũng đang tăng lên trong thập kỷ qua kể từ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia so sánh như Malaysia, Philippines và Indonesia.
Kim ngạch xuất khẩu của những lĩnh vực dịch vụ giàu hàm lượng tri thức và đòi hỏi kỹ năng cao, được gọi là "dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu", chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, và các lĩnh vực đó chỉ đóng góp 6,4% việc làm trong toàn khu vực dịch vụ, bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính và dịch vụ hành nghề chuyên môn, là những lĩnh vực dịch vụ có năng suất cao nhất trong nền kinh tế.
Nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất bao gồm quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, những rào cản về thương mại dịch vụ, tỷ lệ áp dụng công nghệ thấp, thiếu kết nối với các ngành, lĩnh vực khác, cho thấy còn nhiều điều cần được cải thiện thông qua các hành động chính sách phù hợp.
Để đẩy nhanh tăng trưởng trong khu vực này, WB cho rằng Việt Nam cần cân nhắc xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động và cán bộ quản lý; tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến.