Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, sự hồi phục mặc dù đã được ghi nhận sau khi dịch bệnh được khống chế nhưng phải đến thời điểm này, các hãng hàng không mới ghi nhận lãi trở lại từ vận chuyển hàng không hoặc gần đạt điểm hoà vốn.
Thông tin mới nhất về kết quả kinh doanh quý 1/2023, Vietjet (mã JVC) cho biết hãng đã bắt đầu có lãi từ vận chuyển hàng không trong quý 1/2023, dự báo tiếp tục kinh doanh tích cực trong các quý còn lại của năm.
Ngay trong những ngày đầu năm, Vietjet chào đón thành viên mới A330 – tàu bay thân rộng về với đội tàu bay của hãng. Đến ngày 8/4, Vietjet khai trương đường bay kết nối giữa TP.HCM – Melbourne (Úc) bằng tàu bay A330, chính thức chinh phục các đường bay thương mại xuyên lục địa.
Trong tháng 4 và tháng 6 tới, Vietjet cũng cho biết sẽ tiếp tục khai trương các đường bay từ TP.HCM tới 2 thành phố khác của Úc là Sydney và Brisbane.
Đối với thị trường trong nước, Vietjet sẽ khai trương đường bay Cần Thơ - Vân Đồn (Quảng Ninh), kết nối hai khu vực kinh tế trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.
Trước đó, năm 2022, doanh thu hợp nhất của Vietjet đạt hơn 40.141 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không đạt 33.077 tỷ đồng, lỗ sau thuế 2.261 tỷ đồng.
Ngoài Vietjet, hãng hàng không khác là Bamboo Airways cũng mới đưa ra những thông tin ban đầu về kết quả kinh doanh quý 1. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường ngày 10/4, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho biết trong quý 1, Bamboo Airways gần đạt điểm hòa vốn.
Theo ông Trọng, nếu đại hội lần này thông qua phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, tăng vốn, hãng hàng không sẽ tăng thêm 6-8 tàu bay trong năm nay và 10 tàu giai đoạn 2024 - 2026. Qua đó Bamboo sẽ có lãi trong năm 2025 và có thể niêm yết trong năm 2026-2027.
Tuy nhiên, kết quả đại hội, kế hoạch tăng vốn của Bamboo Airways đã không được thông qua. Lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, sẽ cần thời gian để bổ sung thông tin, hoàn thiện phương án tăng vốn khả thi nhất cho Bamboo Airways. Sau khi hoàn thiện, phương án tăng vốn sẽ được trình ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp gần nhất.
Điều gì xảy ra nếu Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ?
Dù chưa có con số chi tiết, tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Vietjet trong quý 1/2023 không nằm ngoài dự đoán của các công ty chứng khoán trước đó. Trong báo cáo phát hành vào tháng 9/2022, Công ty chứng khoán Rồng Việt từng đưa ra kỳ vọng rằng Vietjet sẽ bắt đầu báo cáo lợi nhuận dương trong mảng vận tải vào năm 2023 trong khi hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ như Vietnam Airlines (mã HVN) sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận ròng vào năm 2025, chủ yếu do chi phí nhiên liệu cao và cơ sở chi phí tương đối cao.
Tương tự, Công ty chứng khoán VNDIRECT dự báo, năm 2023, tăng trưởng khách nội địa của Vietjet có thể đạt 12%, khách quốc tế tăng 223% so với năm 2022 đạt 7,83 triệu khách. Lợi nhuận ròng của Vietjet có thể đạt 3.533 tỷ đồng năm 2023.
“Vietjet là hãng hàng không có tỷ lệ đòn bẩy thấp nhất hiện tại, điều này có thể đảm bảo cho các kế hoạch phát triển đội bay trong tương lai. Do đó, chúng tôi cho rằng Vietjet có nhiều cơ hội để nắm bắt sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới”, chuyên gia VNDIRECT cho biết.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2022, số chuyến bay khai thác của Vietjet ghi nhận mức tăng trưởng lên đến hơn 200%, đạt 115.349 chuyến, chỉ thấp hơn Vietnam Airlines 638 chuyến bay.
Đáng chú ý, tỷ lệ chậm chuyến của Vietnam Airlines bất ngờ “đội sổ” khi là hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất với 12,5% chuyến bay bị chậm, tương ứng với 14.486 chuyến bay.
Trong khi Bamboo Airways, Vietjet đều đánh tiếng về kết quả kinh doanh quý 1/2023, Vietnam Airlines lại là một trong số rất ít doanh nghiệp thậm chí chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Vietnam Airlines từng có văn bản xin lùi thời gian nộp báo cáo kiểm toán, nhưng cơ quan quản lý nhà nước đã từ chối đề nghị này của Vietnam Airlines.
Trường hợp không có thay đổi quan trọng nào trong báo cáo tài chính năm 2022 có kiểm toán sắp tới, hơn 2,2 tỷ cổ HVN sẽ bị buộc phải rời sàn HoSE theo quy định.
Năm 2022, tổng doanh thu của Vietnam Airlines đạt gần 71.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất vẫn âm khoảng 10.091 tỷ đồng. Đến hết 31/12/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ của hãng âm khoảng 10.200 tỷ, trong khi đầu năm vẫn dương trên 500 tỷ.