SSI Research vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2023 của một số doanh nghiệp. Trong, đó đa phần các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng, trong khi nhóm phân bón, xuất khẩu, bán lẻ công nghệ phải đối mặt với thử thách suy giảm sức mua từ thị trường dẫn đến lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Lợi nhuận nhóm ngân hàng phân hoá
Trong nhóm ngân hàng, chuyên gia của SSI Research ước tính, lợi nhuận của các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong quý 2/2023.
Cụ thể, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý 2 của Vietcombank (VCB) đạt khoảng 10.000 - 10.300 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Ngân hàng tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới với tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động duy trì ổn định (tăng 6% so với đầu năm). Chất lượng tài sản dự báo tiếp tục được duy trì.
Tương tự, lãi trước thuế quý 2 của BIDV (BID) cũng được ước tính tăng 7% so với cùng kỳ, đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 lần lượt đạt khoảng 6,9% và 4,5% so với đầu năm. Chất lượng tài sản dự báo được kiểm soát quanh mức 1,4-1,5% và NIM có thể đi ngang so với quý trước (nhưng vẫn thấp hơn quý 2/2022).
Với VietinBank (CTG), SSI Research ước tính mức LNTT trong khoảng 6.200 - 6.500 tỷ đồng, tăng 7 - 13% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 6,6% và 4,9% so với đầu năm.
Trong nhóm ngân hàng cổ phần lớn, SSI Research cho rằng tăng trưởng lợi nhuận có sự phân hoá. Theo đó, các ngân hàng HDBank, Sacombank, VIB ghi nhận tăng trưởng; lợi nhuận MB đi ngang và lợi nhuận của Techcombank, ACB, TPBank sụt giảm.
Với Sacombank (STB), SSI kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 2 do NIM trở về mức bình thường và tăng trưởng tín dụng đạt mức 5% so với đầu năm và sẽ tiếp tục trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC trong quý. Cụ thể, LNTT của Sacombank có thể đạt quanh mức 2.000 - 2.300 tỷ đồng (tăng khoảng 53%-76% so với cùng kỳ), hoàn thành 46% - 50% kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ. Nợ nhóm 2 và nợ xấu tiếp tục được kiểm soát tốt.
LNTT quý 2 của HDBank (HDB) dự kiến cũng đạt khoảng 2.800 - 3.100 tỷ đồng (tăng khoảng 1% - 12% so với cùng kỳ). SSI dự kiến ngân hàng vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 10% so với đầu năm vào cuối quý 2. Bên cạnh đó, với việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động cao so với các ngân hàng tư nhân khác, SSI cho rằng tăng trưởng huy động của HDB sẽ cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.
Với VIB, SSI Research ước tính LNTT quý 2 sẽ không tăng trưởng không đáng kể so với cùng kỳ, khoảng 2-9%, tương đương từ 2.800 - 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, LNTT của MB (MBB) nhiều khả năng sẽ đi ngang so với cùng kỳ, đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.
Ngược lại, ở nhóm các ngân hàng có lợi nhuận giảm, SSI Research dự báo LNTT quý 2 của Techcombank (TCB) sẽ đạt khoảng 5.500 - 5.800 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Tại TPBank (TPB), SSI kỳ vọng ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng khá tốt là 7% so với đầu năm so với các ngân hàng cùng ngành. Tuy nhiên, chất lượng tài sản giảm tốc vẫn là vấn đề được các chuyên gia quan tâm. Từ mức nền cao trong quý 2/2022, lợi nhuận của TPBank được dự kiến đạt 1.600 - 1.700 tỷ đồng (giảm khoảng 25% đến 21% so với cùng kỳ), hoàn thành 40% kế hoạch năm.
Với ACB, các chuyên gia của SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ phục hồi quanh mức 4,5-5% so với đầu năm trong quý 2 trong khi tăng trưởng huy động có thể thấp hơn một chút và đạt mức 4% so với đầu năm. SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của ACB sẽ đạt khoảng 4.400 - 4.700 tỷ đồng, giảm khoảng 10% đến 4% so với cùng kỳ, và hoàn thành khoảng 48% - 50% kế hoạch đặt ra.
Còn với VPBank (VPB) dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng SSI Research nhận định lợi nhuận ngân hàng mẹ có thể duy trì ở mức tương đối tốt trong quý 2 song kết quả kinh doanh hợp nhất sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động tài chính tiêu dùng vẫn còn nhiều thách thức.
Một vài điểm sáng giữa bức tranh tối màu
Trong số các doanh nghiệp SSI Research đưa ra kết quả kinh doanh ước tính, Gemadept (GMD) là "điểm sáng" với LNTT quý 2/2023 dự báo có thể đạt 2.400 tỷ đồng, gấp 6,4 lần cùng kỳ do kỳ vọng doanh nghiệp sẽ ghi nhận khoản LNTT bất thường từ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ ngay trong quý này với mức lợi nhuận dự kiến là 2.100 nghìn tỷ đồng như đã công bố tại ĐHĐCĐ thường niên.
Trong khi đó, SSI ước tính lợi nhuận sau thuế (LNST) của một doanh nghiệp cùng ngành là Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) chỉ đạt 100 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ do giá cho thuê tàu bình quân, giá giao ngay trong nước và sản lượng vận chuyển nội địa đều giảm.
Ở nhóm dược phẩm, SSI nhận định Dược phẩm Imexpharm (IMP) sẽ ghi nhận doanh thu mảng ETC tăng mạnh nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm chữa bệnh cúm theo mùa tăng lên (như thuốc kháng sinh, giảm ho và hạ sốt) trong khi doanh thu OTC tăng trưởng có phần hạn chế hơn. Ước tính doanh thu và LNTT của Imexpharm lần lượt đạt 495 tỷ đồng và 106 tỷ đồng, tăng lần lượt 40% và 79% so với cùng kỳ.
Tại nhóm thực phẩm tiêu dùng, SSI Research ước tính trong nửa đầu năm doanh thu thuần của Đường Quảng Ngãi (QNS) đạt 5.400 tỷ đồng, và LNTT đạt 1.100 tỷ, tăng lần lượt 35% và 65% so với cùng kỳ. Như vậy ước tính quý 2, Đường Quảng Ngãi lãi trước thuế 744 tỷ, gấp đôi cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay tính theo quý.
Với Vinamilk (VNM), SSI Research kỳ vọng sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 15.200 tỷ đồng và 2.200 tỷ.
Ở nhóm dầu khí, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, PVS ước đạt 7.300 tỷ đồng doanh thu (giảm 4% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 400 tỷ đồng (tăng 7%). Theo đó, LNTT quý 2/23023 ước đạt 133 tỷ đồng (tăng 113% so với cùng kỳ), trên mức nền rất thấp của quý 2 năm ngoái.
SSI Research cũng ước tính LNTT quý 2 của PVT sẽ tăng 20% so với cùng kỳ, với các động lực chính bao gồm giá cho thuê tàu trung bình theo ngày tăng lên và công suất cao hơn từ đội tàu mới. Còn LNST cốt lõi của PVD có thể đạt 100 tỷ đồng (cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng âm của cùng kỳ năm trước).
Ngược lại, với Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), SSI Research ước tính doanh thu và LNTT có thể giảm lần lượt hơn 30% và 85% từ mức đỉnh cùng kỳ do giá dầu điều chỉnh và chênh lệch giá dầu thu hẹp.
Với hai đơn vị dẫn đầu ngành phân bón, các chuyên gia ước tính LNTT trong quý 2/2023 của Đạm Phú Mỹ (DPM) đạt 350 tỷ đồng (giảm 79%) và LNTT của Đạm Cà Mau (DCM) đạt 210 tỷ đồng (giảm 81%) do giá urê điều chỉnh mạnh, sản lượng tiêu thụ giảm trong khi chi phí đầu vào tăng.
Tại ngành thép, theo SSI Research, lợi nhuận ước tính của Hòa Phát (HPG) trong quý 2/2023 có thể giảm hơn 70% về 1.200 tỷ đồng, nhưng có thể phục hồi so với quý trước nhờ tỷ lệ công suất hoạt động cải thiện từ mức đáy 65% trong quý đầu năm lên khoảng 72% trong quý 2/2023.
Với Hoa Sen Group (HSG), lợi nhuận có thể giảm hơn 10% do giá thép trong khu vực giảm. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu phục hồi nhờ kênh xuất khẩu.
Với một số đại diện của các nhóm ngành xuất khẩu, SSI Research ước tính lợi nhuận quý 2/2023 sẽ khá ảm đạm. Trong đó, doanh thu và LNTT quý 2 của Phú Tài (PTB) ước tính đạt 1.582 tỷ đồng và 106 tỷ, giảm lần lượt 17% và 46% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do sản xuất gỗ giảm 32% do nhu cầu xuất khẩu sang thị trường chính là Mỹ bị ảnh hưởng do tiêu thụ giảm và tồn kho cao.
Tương tự, doanh thu thuần quý 2/2023 của Sợi Thế Kỷ (STK) có khả năng chỉ đạt 420 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 33 tỷ đồng, giảm 21% và 54% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ giảm đáng kể trên tất cả các đơn đặt hàng trong khi giá bán bình quân của sợi nguyên sinh giảm khoảng 5%.
Ngoài các nhóm ngành trên, SSI Research dự báo LNTT của Viettel Post (VTP) sẽ đạt 100 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm 20% so với cùng kỳ nhưng tăng 7% so với quý trước do giá bán trung bình giảm và thay đổi cách hạch toán về lương thưởng.
SSI cũng dự tính lợi nhuận ròng quý 2 của Digiworld (DGW) chỉ đạt khoảng 85-90 tỷ đồng, giảm 57- 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của DGW giảm mạnh có thể do nhu cầu điện thoại di động và máy tính xách tay đều giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng cải thiện nhẹ so với quý trước (tăng 4 - 10%) khi các doanh nghiệp bán lẻ như Thế giới Di động (MWG) và FPT Retail (FRT) đặt hàng điện thoại iPhone qua DGW thay vì mua trực tiếp từ Apple.