Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Việt Nam quý 1/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023. Đây cũng là mức cao nhất trong số các quốc gia đang phát triển hiện nay, báo cáo từ Ngân hàng UOB Việt Nam ghi nhận.
Trong kỳ, hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang diễn ra mạnh mẽ, với xuất khẩu được thúc đẩy nhờ nhu cầu về thiết bị điện tử và điện thoại. UOB dự báo, sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và châu Á và khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới cũng sẽ là những điều tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Dòng vốn FDI tiếp tục tăng sau khi đạt mức kỷ lục trong năm 2023
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, phản ánh niềm tin bền vững của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thậm chí, thực tế có thể còn hơn thế khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu hình khi phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Thống kê cho thấy, dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam lên tới 4,6 tỷ USD, cao hơn 6% so với cùng kỳ so với 4,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2023. Trước đó, dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2023 tăng 32% lên 36,6 tỷ USD từ 27,7 tỷ USD năm 2022, gần bằng mức cao kỷ lục 38 tỷ USD vào năm 2019.
Những dữ liệu FDI này cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc.
Dù tăng trưởng cao nhất nhóm các nước đang phát triển, theo ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam - thì “kết quả quý chưa phản ánh được nhiều về triển vọng tăng trưởng cả năm vì tăng trưởng quý 1 là 5,66% và mức tăng này trên nền cơ sở thấp của quý 1/2023”.
Bởi, dù đối mặt với nhiều thách thức từ thị toàn cầu, song tiềm năng Việt Nam rất nổi bật nhờ nhu cầu nội địa phục hồi mạnh mẽ. Minh chứng, thị trường bán lẻ từ đầu năm đến nay rất sôi động, không chỉ doanh nghiệp nội địa tăng cường mở rộng mà nhiều thương hiệu ngoại cũng ồ ạt gia nhập.
Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu nội địa
Ở mảng TTTM, trong khi đầu năm Thaco đã đưa vào hoạt động Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích thì AEON Việt Nam cũng vừa khởi công xây dựng TTTM đầu tiên ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (đây là TTTM thứ 8 tại Việt Nam của Tập đoàn AEON). “Tân binh” là ông chủ KIDO với 2 thương hiệu Vạn Hạnh Mall và Hùng Vương Plaza cũng đã đánh tiếng về một siêu thị mới trong năm nay…
Đi cùng sự gia tăng của sàn TTTM, nhiều nhãn hàng tăng độ phủ. Đơn cử, nhà sách Fahasa chỉ sau vài tháng đã khai trương nhiều nhà sách mới, bao gồm nhà sách tại Giga Mall (Thủ Đức); hay Pop Mart lần đầu đổ bộ Việt Nam với cửa hàng ở Cresnt Mall (quận 7, Tp.HCM).
Mặt khác, TMĐT cũng như xuất khẩu bùng nổ cũng là chất xúc tác thúc đẩy nhu cầu gia tăng mạnh. Theo thống kê mới nhất từ Amazon Global Selling, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua. Đáng nói, năng lực xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam cũng ngày càng tăng, TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với thành công của các DN từ Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng vọt gấp 10 lần trong vòng 5 năm.
Những điều trên tái khẳng định dự báo tăng trưởng năm 2024 của UOB cho Việt Nam là 6%, và con số quý 1 tuy khả quan nhưng chưa phản ánh hết được tiềm năng tăng trưởng. Đại diện UOB cũng đánh giá lạc quan cho thị trường chứng khoán Việt Nam, chủ yếu nhờ hai động lực kinh doanh lớn là: (i) nền kinh tế lớn có thể cắt giảm lãi suất, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng từ đó hỗ trợ xuất khẩu và (ii) sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
“Quý đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của các DNNY tăng 14,3% so với cùng kỳ và tăng đến 26% so với quý trước. Chúng tôi tiếp tục dự báo triển vọng lợi nhuận các DNNY sẽ trong xu hướng tăng những tháng tới, đặc biệt với nhóm công ty bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc +1 và các doanh nghiệp công nghệ”, bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam) cho biết thêm.