Các báo cáo được công bố trong tuần này cho thấy giá nhà ở Mỹ đã giảm 5 tháng liên tiếp, doanh số bán nhà ở Trung Quốc tiếp tục đi xuống và cũng kéo dài cả ở Úc lẫn New Zealand.
Giá nhà lao dốc có thể làm sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình, yếu tố vốn là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế toàn cầu vào năm ngoái. Hoạt động đầu tư cũng có thể chịu áp lực khi các nhà phát triển thu hẹp quy mô dự án trước xu hướng giá cả và nhu cầu giảm, chi phí đi vay cao hơn.
Ở Mỹ, lãi thế chấp tăng cao vào năm ngoái đã khiến thị trường nhà ở hạ nhiệt, khiến doanh số bán nhà đã có chủ giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ. Tình trạng này lại đã ảnh hưởng đến giá nhà, đặc biệt là ở các vùng như San Francisco, nơi giá nhà vốn đắt đỏ.
Sự căng thẳng đó sẽ kéo dài trong chiến dịch chống lạm phát của Fed. Các nhà hoạch định chính sách được dự đoán sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% sau cuộc họp ngày 31/1 lên 4,5% đến 4,75%.
Còn ở nền kinh tế số 2 thế giới, tình trạng trì trệ của lĩnh vực bất động sản vẫn chưa có nhiều dấu hiệu được cải thiện, dù giới chức đã nỗ lực hỗ trợ. Doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc giảm 32,5% trong tháng 1 so với 1 năm trước, số liệu sơ bộ từ China Real Estate Information Corp. cho thấy.
Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp để hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển trong những tháng gần đây, tạm dừng chiến dịch giảm đòn bẩy vốn gây ra làn sóng vỡ nợ và khiến kinh tế giảm tốc. Chính quyền các địa phương cũng khuyến khích hoạt động mua nhà bằng cách giảm lãi suất thế chấp và nới lỏng các quy định thanh toán trước. Theo nhà phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence, những động thái này vẫn khó có thể thúc đẩy doanh số bán nhà cho đến giữa năm nay.
Triển vọng kém khả quan đối với ngành bất động sản Trung Quốc có thể là một trở ngại, khiến Nomura Holdings khó có thể nâng dự báo triển vọng tăng trưởng trong năm nay, theo nhóm nhà kinh tế của công ty.
Trong khi đó, giá nhà tiếp tục giảm ở Úc và New Zealand trong tháng 1. Đà trượt dốc có thể sẽ còn kéo dài do thị trường bất động sản ở cả 2 nước này vẫn chưa thực sự chịu tác động của việc lãi suất tăng đột biến vào năm ngoái.
Giá nhà ở New Zealand liên tục sụt giảm.
Nhiều hộ gia đình ở New Zealand đang vay thế chấp với lãi suất cố định vẫn chưa được điều chỉnh sang mức lãi suất mới cao hơn. Do đó, các nhà kinh tế dự đoán giá nhà sẽ tiếp tục giảm và thấp hơn ít nhất 20% so với mức đỉnh vào cuối năm 2021 vào đầu năm 2024.
Ở thủ đô Wellington của New Zealand, giá nhà đã giảm 18,1% so với 1 năm trước đó, theo dữ liệu của CoreLogic. Tại Auckland, giá giảm 8,2%.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Úc. Theo một báo cáo của Bloomberg Intelligence, các khoản thanh toán nợ sẽ cao hơn khi lãi suất thế chấp được điều chỉnh theo lãi suất chuẩn tăng lên trong năm nay và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Các nhà phân tích Mohsen Crofts và Jack Baxter cho biết, 15% các khoản thanh toán nợ mua nhà có thể sẽ tăng lên hơn 80% khi mức lãi suất cố định cực kỳ thấp hết hạn. Họ cũng ước tính, tác động đối với thu nhập hộ gia đình sẽ là làm giảm 2,2 điểm phần trăm của doanh số bán lẻ.
Các khoản vay mua nhà cố định (tỷ AUD) và lãi suất cố định 3 năm (%) ở Úc.
Thị trường nhà ở thậm chí cũng hạ nhiệt ở Singapore, nơi vốn có khả năng hồi phục tốt hơn nhiều địa điểm khác. Giá nhà ở đây chỉ tăng 0,4% trong quý 4/2022, tốc độ chậm nhất trong hơn 2 năm. Doanh số bán nhà trong tháng 12 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 14 năm.
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân gây ra đợt sụt giảm này bắt nguồn từ việc thiếu những dự án mới được ra mắt và các nhà phân tích kỳ vọng doanh số sẽ hồi phục khi nguồn cung tăng lên. Phân khúc người mua giàu có cũng đang là động lực cho thị trường bất động sản hạng sang.
Một dấu hiệu tích cực đang xuất hiện ở Hong Kong, nơi đang chứng kiến tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản khi Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại. Doanh số bán nhà mới ở thành phố này có thể tăng hơn 50% do nhu cầu bị dồn nén của người mua từ đại lục, theo Bloomberg Intelligence.