Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) mới có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) giải trình về việc chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán và chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Văn bản của Vietnam Airlines do Thư ký Tổng Giám đốc, bà Kim Thị Thu Huyền ký ngày 25/7, tức là sau gần 20 ngày kể từ khi HOSE gửi công văn yêu cầu giải trình.
Văn bản nêu: “Giai đoạn vừa qua, tổng công ty đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp nên việc thu thập đối chiếu số liệu mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn COVID-19, tổng công ty đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp đồng ý giảm giá hàng hoá, giãn các khoản thanh toán nhưng đi kèm với một số điều kiện làm thay đổi hợp đồng nên tổng công ty cần thêm thời gian để đối chiếu xác nhận công nợ. Do vậy, tổng công ty chưa thể phát hành BCTC”.
Vietnam Airlines cho biết, hiện tổng công ty đang trong giai đoạn cuối, cùng với công ty kiểm toán khẩn trương hoàn thiện BCTC kiểm toán 2022 và sẽ công bố ngay sau khi hoàn tất.
Theo văn bản của Vietnam Airlines, BCTC hàng năm là một phần trong bộ tài liệu báo cáo ĐHĐCĐ thường niên và cũng là một trong những nội dung được thảo luận, thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên theo quy định. Tổng công ty đang nỗ lực để có đầy đủ các tài liệu và sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong thời gian sớm nhất.
Vietnam Airlines cũng xin HOSE xem xét, ghi nhận nội dung giải trình, tạo điều kiện hỗ trợ để có thêm thời gian khắc phục và hoàn thiện.
Trước đó, ngày 10/7, Vietnam Airlines đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị thông qua việc hủy thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tại ngày đăng ký cuối cùng 11/7/2023 do cần thêm thời gian chuẩn bị.
Ngày 5/7, HoSE đã công bố quyết định đưa hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch kể từ ngày 12/7, chỉ được giao dịch phiên chiều. Lý do là Vietnam Airlines chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022, quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trong thông cáo phát đi ngày 6/7, Vietnam Airlines cho biết các nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch cổ phiếu HVN trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận. Việc hạn chế giao dịch cổ phiếu không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
Về tình hình kinh doanh, Vietnam Airlines đã trải qua 13 quý thua lỗ liên tiếp kể từ đầu năm 2020. Theo báo cáo tự lập quý I/2023, tổng công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất vượt 23.494 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ và là mức cao nhất đạt được trong một quý từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí và thuế, Vietnam Airlines vẫn lỗ ròng hơn 37 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính đến thời điểm ngày 31/3 lên đến hơn 34.300 tỷ đồng, dẫn đến tổng công ty âm vốn chủ sở hữu đến 10.239 tỷ đồng.
Nếu báo cáo kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HOSE cũng từng lưu ý về khả năng hủy niêm yết HVN.