Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (VNA, mã HVN) cho biết, chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không rất khó khăn.
Ông Hoà nói thêm: “Theo tôi được biết, một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản”.
Thực tế, hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Khi những khó khăn do dịch bệnh đã đi qua, hàng không tiếp tục gặp phải những thách thức khác như ảnh hưởng suy thoái kinh tế, lạm phát cao cũng như mâu thuẫn chính trị giữa Nga – Ukraine khiến giá nhiên liệu xăng dầu tăng nhanh, có thời điểm tăng gấp đôi trước dịch trong khi chi phí nhiên liệu chiếm đến 60% chi phí hoạt động hàng không. Điều này khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng không chưa thể hồi phục như kỳ vọng.
Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất trong 3 hãng chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán năm 2022. Trong BCTC năm 2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 10.369 tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 âm hơn 10.199 tỷ đồng. Nếu BCTC kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết.
Tại thời điểm 31/12/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ luỹ kế gần 34.200 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 10.200 tỷ đồng.
Bamboo Airways là hãng hàng không có lỗ luỹ kế tính đến hết 31/12/2022 lên đến hơn 19.335 tỷ sau khi ghi nhận khoản lỗ kỷ lục vào năm 2022 - lỗ 17.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietjet Air (mã VJC) là hãng hàng không có kết quả kinh doanh sáng sủa nhất khi chỉ để lỗ hơn 2.100 tỷ đồng năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết năm 2022 của Vietjet vẫn đạt gần 9.110 tỷ đồng.
Quý 1/2023, trong khi Vietnam Airlines tiếp tục để lỗ 104 tỷ đồng sau thuế, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 69,2 nghìn tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.
Đánh giá năm 2023 là một năm tăng trưởng mạnh của hàng không và du lịch, Vietjet đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn để hướng tới những kết quả cao hơn trong các quý tiếp theo và trong cả năm 2023.
Bên cạnh việc khai thác ổn định thị trường nội địa, duy trì vị trí dẫn đầu thị phần nội địa, Vietjet đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tập trung phát triển mạnh ở thị trường quốc tế, nghiên cứu và đầu tư khai thác những đường bay còn nhiều tiềm năng và tiên phong khai mở những đường bay mới.
Vietjet dự kiến sẽ tăng đội tàu bay lên 87 chiếc, khai thác 139.513 chuyến bay, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách trong năm 2023.
Vietnam Airlines sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận ròng vào năm 2025?
Thời điểm Vietjet, Vietnam Airlines chưa công bố BCTC quý 1/2023, một số công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo Vietjet sẽ có lãi ngay trong quý 1 còn Vietnam Airlines sẽ cần khoảng thời gian lâu hơn.
Cụ thể, trong báo cáo phát hành vào tháng 9/2022, Công ty chứng khoán Rồng Việt từng đưa ra kỳ vọng rằng Vietjet sẽ bắt đầu báo cáo lợi nhuận dương trong mảng vận tải vào năm 2023 trong khi hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ như Vietnam Airlines sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận ròng vào năm 2025, chủ yếu do chi phí nhiên liệu cao và cơ sở chi phí tương đối cao.
Thực tế chứng minh nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt về Vietjet đã đúng.
Tương tự, Công ty chứng khoán VNDIRECT dự báo, năm 2023, tăng trưởng khách nội địa của Vietjet có thể đạt 12%, khách quốc tế tăng 223% so với năm 2022 đạt 7,83 triệu khách. Lợi nhuận ròng của Vietjet có thể đạt 3.533 tỷ đồng năm 2023.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2022, số chuyến bay khai thác của Vietjet ghi nhận mức tăng trưởng lên đến hơn 200%, đạt 115.349 chuyến, chỉ thấp hơn Vietnam Airlines 638 chuyến bay.
Đáng chú ý, tỷ lệ chậm chuyến của Vietnam Airlines bất ngờ “đội sổ” khi là hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất với 12,5% chuyến bay bị chậm, tương ứng với 14.486 chuyến bay.
Không chỉ tình hình tài chính của Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ lớn, Pacific Airlines, hãng hàng không được Vietnam Airlines tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Qantas Asia Investment Company từ đầu năm 2022 và sở hữu đến 99% cổ phần cũng trong tình trạng tương tự.
Lần gần nhất lãnh đạo Vietnam Airlines đề cập đến tình hình tài chính của hãng hàng không Pacific Airlines là giữa năm 2022, cho biết tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn, đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.
Báo cáo kiểm toán năm 2022 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) cho thấy, năm 2022 mặc dù CTCP Hàng không Pacific Airlines chỉ xếp thứ 4 về giá trị nợ xấu (569,5 tỷ đồng) nhưng là hãng bay có tỷ trọng nợ xấu (nợ xấu/nợ phải thu) lớn nhất, lên đến 98%.
ACV cũng phải dự phòng lên đến hơn 509 tỷ đồng trong số 569,5 tỷ đồng nợ xấu của Pacific Airlines. Khoản dự phòng này là khoản nợ quá hạn, gần như không có khả năng thu hồi.