Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong giai đoạn 2026 - 2030, đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Trong đó, với sản phẩm bia, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB từ mức 65% như hiện nay lên 70% vào năm 2026 và tăng tiếp mỗi năm 5% để đạt 90% trước năm 2030; hoặc tăng từ mức 65% hiện nay lên 80% trong năm 2026 và tăng tiếp mỗi năm 5% để đạt 100% trước năm 2030. Nội dung này sẽ Quốc hội khóa cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Tăng thuế TTĐB khả năng không tác động nhiều đến tỷ suất lợi nhuận của Sabeco
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap nhận định việc tăng thuế TTĐB sẽ ít nhiều tác động đến các doanh nghiệp ngành bia. Cộng thêm việc kéo dài thực thi nghiêm ngặt quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia dự kiến sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia trong trung hạn.
Tuy nhiên, triển vọng nhân khẩu học thuận lợi trong dài hạn của Việt Nam, bao gồm tầng lớp có mức thu nhập trung bình ngày càng tăng, dân số trong độ tuổi uống rượu, bia hợp pháp ngày càng tăng, và tốc độ đô thị hóa vẫn được giữ nguyên, Vietcap dự báo sản lượng tiêu thụ bia của Việt Nam sẽ tăng với CAGR ở mức 5% trong giai đoạn 2023-2028.
Với riêng Sabeco (SAB), chuyên gia của Vietcap cho rằng khả năng tăng thuế TTĐB từ năm 2026 dự kiến sẽ tác động không đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Cụ thể, theo nhóm phân tích, sau khi xem xét lịch sử tác động của việc thay đổi thuế TTĐB lên Sabeco có thể thấy diễn biến chung là tăng trưởng sản lượng bia chậm lại trong 2 hoặc 3 năm đầu sau khi tăng thuế TTĐB, sau đó phục hồi mạnh mẽ.
Do đó, đợt tăng thuế TTĐB sắp tới có thể chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng sản lượng bán bia của Sabeco trong 2 hoặc 3 năm đầu (2026-2027), trong khi không có tác động đáng kể đến biên lợi nhuận nhờ chuyển phần thuế TTĐB tăng cho người tiêu dùng.
"Tỷ suất lợi nhuận, biên lợi nhuận gộp mảng bia của Sabeco sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể từ việc tăng thuế TTĐB do doanh nghiệp sẽ chuyển phần tăng thuế TTĐB cho người tiêu dùng để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về việc kiểm soát tiêu thụ rượu bia. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp đã giảm rõ rệt trong năm 2018, do tác động tổng hợp của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng", chuyên gia của Vietcap nhìn nhận.
Trong tương lai, Vietcap kỳ vọng Sabeco và Heineken (Việt Nam) sẽ duy trì vị thế thống trị (nắm giữ khoảng 80% thị phần) trong thời gian tới. Carlsberg (Việt Nam) đã dần giành được thêm thị phần và kỳ vọng điều này sẽ tiếp diễn. Trong khi Habeco có thể sẽ phải đối mặt với thách thức do năng lực cạnh tranh yếu hơn.
Vietcap nhận định Sabeco có vị thế tốt để giành lại thị phần trong các năm tới nhờ việc thuế TTĐB dự kiến tăng từ năm 2026 có thể gây ra tác động tiêu cực đối với các dòng bia cao cấp nhiều hơn so với các dòng bia phổ thông. Hiện Sabeco chủ yếu tập trung vào phân khúc phổ thông, nên giá bia của công ty sẽ tăng ít hơn (về mặt giá trị tuyệt đối) so với Heineken (Việt Nam), vốn mạnh về các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp, khi thuế TTĐB tăng.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực thi nghiêm ngặt quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia có thể khiến người tiêu dùng thích ứng bằng cách chuyển sang tiêu thụ bia tại kênh mua về. Điều này có thể sẽ khuyến khích việc tiêu thụ bia tại kênh mua về của Sabeco - vốn có vị thế mạnh tại kênh mua về với mạng lưới phân phối trên toàn quốc, qua đó giúp công ty hưởng lợi từ sự dịch chuyển này.
Phân khúc bia bình dân giữ vững vị thế
Tại hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” diễn ra ngày 14/8, đánh giá về tác động của việc tăng thuế TTĐB với ngành bia, bà Lê Minh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ cho rằng, nếu thuế TTĐB tăng có thể gây áp lực cho người tiêu dùng.
Theo chuyên gia của NielsenIQ, trước đó, với sự thay đổi của Nghị Định 100 về tăng mức xử phạt đối với các tài xế sử dụng đồ uống khi tham gia giao thông, có thể thấy, doanh thu của các nhà hàng, quan ăn phân phối sản phẩm bia đã bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng cũng bắt đầu giảm tần suất uống bia bên ngoài và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của ngành bia tại kênh này, cụ thể hơn là phân khúc cao cấp của ngành bia.
Báo cáo nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng trong quý II/2024 của NielsenIQ cho thấy, 2 trong những cách phổ biến được 50% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn - Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh áp dụng là cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, bao gồm ăn uống tại các nhà hàng bên ngoài và tối ưu việc nấu ăn tại nhà.
Sự thay đổi này trực tiếp ảnh hưởng đến sự sụt giảm doanh thu của chuỗi nhà hàng, quán ăn liên tục từ tháng 1/2023 đến nay. Tính trong 12 tháng gần đây, mức sụt giảm này là 6% trên cả nước và 11% tại 6 thành phố lớn, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, từ hơn 2 năm trở lại đây, NielsenIQ ghi nhận, nhóm các sản phẩm bia có nồng độ cồn thấp đang được người tiêu dùng đón nhận với việc gia tăng gần 35% sản lượng trong 12 tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại khu vực 6 thành phố lớn và kênh hiện đại Việt Nam.
Xu hướng trên đều bắt nguồn từ mối quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam đến vấn đề sức khỏe trong vài ba năm trở lại đây. Và xu hướng này có khả năng tiếp tục được duy trì và tác động đến ngành bia trong tương lai tới.
Cũng trong 2 năm gần đây, NielsenIQ nhận thấy xu hướng tiêu dùng phân cực liên quan đến phân khúc giá của sản phẩm diễn ra trong ngành bia với sự tăng trưởng ở cả 2 phân khúc khác biệt là bình dân và siêu cao cấp.
Tuy nhiên, với tác động của việc tăng thuế TTĐB, NielsenIQ cho rằng nhóm phân khúc tiết kiệm có thể vẫn giữ được vị thế, là phân khúc chính, đóng góp khoảng 55 - 60% sản lượng của ngành hàng như hiện nay, còn phân khúc siêu cao cấp sẽ cần quan sát thêm. Điều này, cũng sẽ mở ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp có sản phẩm ở phân khúc tương ứng.
“Trong xu hướng cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, ngoài cắt giảm về liều lượng, người tiêu dùng cũng có thể cắt giảm kinh phí cho sở thích uống bia, rượu. Theo đó, phân khúc bình dân sẽ ngày càng gia tăng tầm quan trọng, ngày càng được ưa chuộng hơn, và người tiêu dùng phân khúc cao cấp có thể cân nhắc về chi tiêu để phù hợp với ngân sách”, bà Trang phân tích.