Đã nhiều tháng nay, các nhà kinh doanh dầu trên thế giới đã lo ngại rằng việc Liên minh châu Âu (EU) cấm hỗ trợ dịch vụ bán hàng của dầu Nga và việc dầu Nga bị áp trần giá, hai biện pháp chính thức có hiệu lực từ ngày thứ Hai sẽ khiến cho giá dầu tăng đột biến và tạo ra tình trạng thiếu dầu nghiêm trọng, thế nhưng dường như kịch bản ngược lại đã xảy ra, theo nội dung bài đăng mới đây trên New York Times.
Tính đến ngày thứ Sáu, thay cho việc có nhiều cú sốc giá cả, giá dầu giảm. Giờ đây giá dầu thấp tương đương với ngưỡng của một năm trước tính từ trước khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang.
Tuy nhiên, không phải diễn biến trên thị trường dầu suôn sẻ. Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn các tàu chở dầu, phần lớn trong đó chứa dầu đến từ Kazakhstan nơi các nhà máy của doanh nghiệp Mỹ như Chevron và Exxon Mobile đang hoạt động.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm bằng chứng về bảo hiểm của các tàu này. Tuy nhiên nhiều nhà kinh doanh trên thị trường năng lượng đã không quá quan tâm đến thông tin đó. Giá dầu giảm khoảng 10% trong tuần.
Thị trường dầu nhận ra rằng các biện pháp trừng phạt với Nga, điều mà nhiều nhà đầu tư lo sợ, cuối cùng không tạo ra tác động đáng ngại như kỳ vọng trước đây.
“Người ta từng nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt mới với Nga sẽ gây tổn thất nặng nề đến Nga, cuối cùng kịch bản đó đã không xảy ra”, chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty nghiên cứu OilX – ông Neil Crosby.
Giá dầu Brent, loại dầu chuẩn của quốc tế, giảm xuống dưới mức 80USD/thùng lần đầu tiên tính từ tháng 1/2022, khi giá bắt đầu tăng do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang dần dần. Vào ngày thứ Sáu, giá dầu ở mức 77USD/thùng.
Không chỉ vậy, giới đầu tư tính toán các đợt nâng lãi suất của ngân hàng trung ương, vốn nhắm đến việc kiềm chế lạm phát, sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu và làm giảm nhu cầu dầu. Những nỗi lo lắng đó kết hợp với giả thuyết về việc Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ đẩy tăng trưởng kinh tế tăng dần dần bất chấp việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại thời kỳ COVID-19.
“Hiện đang ngày một nhiều người tin quá trình mở cửa của Trung Quốc sẽ diễn ra chậm, còn châu Âu với Mỹ sẽ đương đầu với một mùa đông khó khăn”, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu về thị trường hàng hóa Argus Media – ông David Fyfe.
Trong suốt khoảng thời gian dàu, biện pháp áp trần giá dầu Nga từng bị hiểu nhầm. Thay cho việc cố gắng loại bỏ dầu Nga ra khỏi thị trường, chính quyền Biden vận động để khuyến khích Nga tiếp tục duy trì sản xuất dầu thế nhưng bán ra ở ngưỡng giá tương đối thấp. Nhà Trắng từng cố gắng ngăn các biện pháp hạn chế của châu Âu đẩy cao giá xăng và nhiều loại sản phẩm xăng dầu khác tại Mỹ.
Nếu nhìn theo góc độ này, các biện pháp áp trần giá cả đang phát huy tác dụng. Cho đến nay, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga vẫn tiếp tục tuy nhiên ở ngưỡng giá mà người ta không thể tưởng tượng được ở những tháng đầu tiên của căng thẳng Nga – Ukraine khi đó giá dầu Brent chạm mức 110USD/thùng.
Theo tính toán của Argus, loại dầu chính của Nga, hiện đang được chuyển lên tàu tại cảng ở khu vực Baltin và biển Đen ở mức giá 42USD/thùng. Trước căng thẳng Nga – Ukraine, dầu Urals thường được bán ở mức giá gần sát với giá dầu Brent. Người mua hiện giờ có thể có được mức giá rẻ ước tính khoảng 35USD/thùng.
Ở mức giá này, các doanh nghiệp vận tải không gặp khó khăn gì để tuân thủ với mức trần giá dầu, vốn được áp ở mức 60USD/thùng. Tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải và bảo hiểm của phương Tây, vốn là đối tượng chính trong việc áp dụng mức trần giá dầu, hiện vẫn thận trọng trong việc làm ăn kinh doanh với Nga, theo các chuyên gia phân tích. Họ lo ngại rằng họ sẽ có thể bị phạt nếu họ vi phạm quy định trừng phạt.
Cho đến nay, Moscow vốn vẫn sẵn sàng bán dầu ở mức giá dầu thấp và dường như đang cố gắng có biện pháp đáp trả các quy định trừng phạt. Vào ngày thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin nói với phóng viên rằng Moscow sẽ cân nhắc giảm quy mô sản xuất, động thái này có thể làm tăng giá cả tuy nhiên nó cũng khiến nhiều người hoài nghi về khả năng liệu Moscow sẽ có thể bán hoặc vận chuyển toàn bộ lượng dầu bán ra.