Trung Quốc nỗ lực kích cầu giữa bão thuế quan Mỹ

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng tốc trong hai tháng đầu năm 2025.

vna-potal-trung-quoc-tang-cuong-cac-bien-phap-kich-thich-chi-tieu-dung-stand-20250316220431.jpg
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy các nỗ lực kích cầu của chính phủ đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp gia tăng và sản xuất công nghiệp chững lại cho thấy nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là sức ép từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Dữ liệu trên được công bố sau khi các chỉ số xuất khẩu và lạm phát trước đó gây thất vọng, làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực từ các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với các đối tác thương mại, trong đó có Trung Quốc.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế "khoảng 5%" trong năm 2025, giới phân tích cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng yếu và thị trường bất động sản trì trệ.

Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế của công ty quản lý tài sản Pinpoint, nhận định, rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc là tác động tiêu cực từ việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của “gã khổng lồ châu Á”.

Ông cũng cho rằng Trung Quốc sẽ duy trì chính sách hiện tại và chưa vội nới lỏng tiền tệ bằng cách hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) hoặc lãi suất, đồng thời cho biết các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ chờ đợi thêm vài tháng trước khi đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất do tình hình thương mại còn nhiều bất ổn.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), doanh số bán lẻ - thước đo quan trọng của tiêu dùng - đã tăng 4% trong tháng 1-2/2025, vượt mức tăng 3,7% của tháng 12/2024 và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/2024.

Quảng cáo

Tại kỳ họp Quốc hội thường niên hồi đầu tháng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ tài khóa và tiền tệ cho nền kinh tế.

Mở rộng nhu cầu trong nước là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong năm nay. Một trong số các biện pháp được đưa ra là chương trình hỗ trợ trị giá 300 tỷ NDT (tương đương 41,5 tỷ USD) cho người dân mua xe điện, đồ gia dụng và các sản phẩm khác.

Ông Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, đánh giá, tăng trưởng doanh số bán lẻ khá tốt nhờ chính sách trợ giá, đặc biệt là đối với mặt hàng điện thoại di động và đồ gia dụng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng hiệu quả của chính sách này có thể giảm dần theo thời gian.

Tình hình việc làm đang trở nên khó khăn hơn khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong tháng Hai tăng lên 5,4%, mức cao nhất trong hai năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã áp thêm 20% thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục gia tăng áp lực. Trong năm 2024, xuất khẩu là một trong số ít điểm sáng của kinh tế Trung Quốc.

Do các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong hai tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng 6,2% của tháng 12/2024. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn dự báo tăng 5,3% của giới phân tích.

Số liệu thống kê của Trung Quốc thường kết hợp dữ liệu của tháng Một và tháng Hai để giảm thiểu tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong hai tháng đầu năm, đầu tư tài sản cố định (bao gồm bất động sản và cơ sở hạ tầng) tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo 3,6%. Trong năm 2024, đầu tư tài sản cố định tăng 3,2%. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, phản ánh tâm lý e ngại của nhà đầu tư.

Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 10,6% trong năm 2024. Người phát ngôn của NBS cho biết thị trường nhà ở Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức mặc dù đã có những dấu hiệu ổn định.

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm sau cảnh báo từ Nvidia

Thị trường chứng khoán châu Á hầu như giảm điểm chiều 16/4 sau khi Nvidia thông báo các quy định cấp phép mới của Mỹ đối với xuất khẩu chip của hãng sang Trung Quốc, làm giảm niềm tin các nhà đầu tư.

Dòng vốn đầu tư chuyển hướng tác động mạnh tới chứng khoán châu Á Chứng khoán châu Á tăng điểm sau quyết định thuế quan của Mỹ

Lo ngại thuế quan tiếp tục phủ bóng thị trường chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ khép phiên giao dịch ngày 15/4 trong sắc đỏ, giữa lúc những bất ổn liên quan đến thuế quan tiếp tục đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Nhà Trắng tuyên bố thuế đối ứng với Trung Quốc là 145%, chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư cá nhân “tham lam khi người khác sợ hãi”

Mỹ xem xét miễn thuế ô tô, giá dầu phản ứng tích cực

Đà tăng của giá dầu xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ thông báo sẽ miễn trừ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng điện tử và xem xét điều chỉnh thuế áp dụng đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu.

Giá dầu thế giới đảo chiều tăng hơn 4% Giá dầu thế giới quay đầu giảm mạnh do căng thẳng Mỹ-Trung

Chứng khoán châu Á khởi sắc khi Tổng thống Mỹ cân nhắc miễn thuế ô tô

Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch chiều ngày 15/4, khi nhóm cổ phiếu ngành ô tô tăng mạnh, nhờ khả năng Mỹ sẽ hạ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng công nghiệp quan trọng này.

Chứng khoán châu Á tăng mạnh sau tuyên bố hoãn áp thuế từ Mỹ Dòng vốn đầu tư chuyển hướng tác động mạnh tới chứng khoán châu Á