Báo cáo kiểm toán năm 2022 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV) cho thấy, năm 2022, nợ xấu của các hãng hàng không tại ACV đồng loạt tăng khiến ACV phải tăng dự phòng cho các khoản nợ này.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, nợ xấu của ACV cho các hãng hàng không lên 4.280 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với đầu năm. Dự phòng cho các khoản nợ xấu này cũng tăng lên 1.250 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Trong đó, mặc dù CTCP Hàng không Pacific Airlines chỉ xếp thứ 4 về giá trị (569,5 tỷ đồng) nhưng là hãng bay có tỷ trọng nợ xấu (nợ xấu/nợ phải thu) lớn nhất, lên đến 98%.
ACV cũng phải dự phòng lên đến hơn 509 tỷ đồng trong số 569,5 tỷ đồng nợ xấu của Pacific Airlines. Khoản dự phòng này là khoản nợ quá hạn, gần như không có khả năng thu hồi.
Pacific Airlines được đổi tên từ đầu năm 2022, sau khi Vietnam Airlines tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Qantas Asia Investment Company tại Jetstar Pacific, hiện Vietnam Airlines kiểm soát tới gần 99% vốn tại hãng hàng không này.
Lần gần nhất lãnh đạo Vietnam Airlines đề cập đến tình hình tài chính của hãng hàng không Pacific Airlines là giữa năm 2022, cho biết tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn, đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.
Khoản nợ xấu của ACV cũng ghi nhận Vietnam Airlines nợ 704 tỷ đồng, tuy nhiên, trái ngược với Pacific, khoản nợ xấu của Vietnam Airlines tại ACV không được trích lập dự phòng. Việc không trích lập dự phòng với một khoản nợ xấu có thể do khoản nợ vừa mới quá hạn thanh toán hoặc có cơ sở để đánh giá khoản nợ có thể thu hồi. Tỷ trọng nợ xấu của Vietnam Airlines ghi nhận 54%.
Hiện, Vietnam Airlines là một trong số rất ít doanh nghiệp chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Báo cáo tự lập của công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 71.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất vẫn âm khoảng 10.091 tỷ đồng. Đến hết 31/12/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ của hãng âm khoảng 10.200 tỷ, trong khi đầu năm vẫn dương trên 500 tỷ.
Trường hợp không có thay đổi quan trọng nào trong báo cáo tài chính năm 2022 có kiểm toán sắp tới, hơn 2,2 tỷ cổ HVN sẽ bị buộc phải rời sàn HoSE theo quy định.
Lợi nhuận ACV tăng mạnh sau 2 năm dịch
Quay trở lại với kết quả kinh doanh của ACV, so với sự phục hồi của các hãng hàng không thì sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của ACV ấn tượng hơn nhiều. Năm 2022, ACV ghi nhận doanh thu đạt 13.807 tỷ đồng, lợi nhuận vào khoảng 7.090 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,9 lần và 9 lần so với năm 2021. Doanh thu tăng đột biến do khoản tiền thu về từ dịch vụ hàng không tăng từ 3.823 tỷ đồng lên 11.527 tỷ đồng, trong đó quá nửa là khoản thu từ phục vụ hành khách.
Như vậy, lợi nhuận năm 2022 của ACV đã tương đương 86% lợi nhuận đạt được trong năm 2019 - trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Năm 2023, ACV đặt mục tiêu tổng sản lượng phục vụ hành khách 116 triệu khách, tăng 18% so với năm 2022; Tổng sản lượng phục vụ hàng hóa: 1.634 nghìn tấn, tăng 18% so với năm 2022. Tổng doanh thu đạt 18.414 tỷ đồng, tăng 20% so với 2022 và lợi nhuận trước thuế đạt 8.448 tỷ đồng, tăng 11%.
Về kế hoạch đầu tư, năm 2023 sẽ là năm trọng điểm của ACV, khi ACV dự kiến tập trung cho 3 dự án lớn nhất thời điểm hiện tại là Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài. Tổng vốn đầu tư cho 3 dự án này khoảng 110 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD), sẽ được chi trong giai đoạn 2022-2025.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2022, lãnh đạo ACV nhận định tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Ngành hàng không có thời cơ, thuận lợi nhưng có cả khó khăn, thách thức đan xen.