Vĩ mô đang có bước khởi sắc
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu giảm 10,8%; nhập khẩu giảm 17%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,52 tỷ USD).
Sự sụt giảm trong kim ngạch xuất nhập khẩu chủ yếu do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. Trong các tháng cuối năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ phục hồi khi lạm phát tại Mỹ và EU giảm, lãi suất tạo đỉnh tạo điều kiện cho sức cầu phục hồi trở lại. Kim ngạch nhập khẩu nhiều khả năng cũng tăng khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng khi kinh tế nội địa phục hồi nhờ mặt bằng lãi suất hạ.
Về đầu tư công, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý 2/2023 ước đạt trên 140,4 nghìn tỷ, bằng 19,93% kế hoạch năm, tăng 52,8% so với quý 1 và tăng 21,8% cùng kỳ năm trước ( quý 1.2023 đạt 13% kế hoạch năm). Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn từ ngân sách Nhà nước ước đạt trên 232,2 nghìn tỷ, bằng 33,0% kế hoạch năm và tăng 20,5% cùng kỳ năm trước.
Còn vốn đầu tư nước ngoài, tính đến 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt trên 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% (tức giảm 4,3%) so với cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022 và vẫn đang kéo dài sang năm 2023.
Từ giữa đến cuối tháng 3/2023, hoạt động bơm/hút ròng trên thị trường mở đã ngưng hẳn do lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và các NHTM đã không còn nhu cầu vay mượn từ NHNN.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng 6 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và đã có sự cải thiện rõ rệt so với quý 4/2022 tạo điều kiện cho lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt và NHNN tạm dừng giao dịch trên thị trường mở. Tình hình thanh khoản sẽ giữ ổn định trong qúy 3/2023 và tiếp tục được cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022.
Trong thời gian qua, NHNN đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, đến cuối tháng 5, tín dụng mới chỉ tăng 3,17% so cuối năm 2022 và chỉ bằng 1/3 so mức 8% của cùng kỳ 2022. Hầu hết ngân hàng có mức độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, chỉ quanh 2%, thậm chí 1%.
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.
Dự báo lãi suất sẽ có xu hướng giảm nhẹ, song phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát.
Những nhóm ngành sẽ bứt phá
Các chuyên gia cho rằng, nhóm chứng khoán được kỳ vọng lãi suất giảm sẽ dần thẩm thấu vào nền kinh tế thực trong nửa cuối năm, sẽ gián tiếp tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp phục hồi lợi nhuận, lãi suất thấp có thể khiến kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn.
Cụ thể, ngành thép đang dần cho thấy sự phục hồi khi đơn hàng thép xuất khẩu đã cải thiện rõ rệt, còn nhu cầu nội địa cũng đang có dấu hiệu tan bằng nhờ 1 số công trình Bất động sản dân cư được nối lại thi công. Đầu tư công cũng vẫn là 1 điểm tựa cho nhu cầu tiêu thụ thép khi các dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, các công trình cao tốc ở khu vực Phía Nam liên tục được khởi công.
Đối với nhóm thủy sản, với xu hướng lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản ở Mỹ trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng tăng 40-50% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường trọng điểm khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng được dự báo hồi phục nhẹ từ cuối quý 2/2023 (theo VASEP).
Còn đối với một số nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công như nhóm xây lắp, hạ tầng: Để đạt mục tiêu hoàn thàng 95% kế hoạch giải ngân, các chuyên gia SSI cho rằng sẽ có khoản 550 nghìn tỷ đồng sẽ được giải ngân vào nửa cuối năm 2023, tập trung vào các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam: như QL45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km), Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km); đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49,3 km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự án PPP, dài 78,5 km) sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cho thấy dự án sân bay Long Thành sẽ được đẩy mạnh, trong đó gói thầu tổng trị giá hơn 35 nghìn tỷ nhiều khả năng sẽ tìm được nhà thầu trong quý 3 năm nay.
Ngoài ra còn nhóm đá, theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, dự án sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp đá xây dựng trong thời gian tới.