Mặc dù tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may nói chung và nhánh ngành xơ sợi Việt Nam nói riêng chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, xung đột địa chính trị… nhưng tín hiệu được nhận diện từ chính sách mở cửa trở lại từ Trung Quốc cùng với chiến lược ứng phó linh hoạt được nhận định sẽ giúp doanh nghiệp khởi sắc trở lại trong 2023.
Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 vừa được CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) tổ chức sáng ngày 30/3 tại TP.HCM, lãnh đạo công ty cho biết, năm 2022 vừa qua, ghi nhận doanh thu gần 2.115 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước; nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 14% đạt 242 tỷ đồng, thực hiện hơn 80% kế hoạch năm.
Trong cơ cấu doanh thu, thị trường nội địa chiếm 68%, quốc tế 32%. Sợi tái chế chiếm 52%; sợi nguyên sinh 48%.
Theo lãnh đạo STK, do vị trí ở thượng nguồn chuỗi cung ứng, nên ngành sợi nói chung và sợi polyester filament nói riêng bị ảnh hưởng tiêu cực khi các thương hiệu thời trang dự báo nhu cầu sẽ giảm tốc trước tác động tiêu cực của lạm phát và suy thoái kinh tế. Do đó trong năm 2022, ngành sợi Polyester Filament của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Ngoại trừ thị trường xuất khẩu tại chỗ (Việt Nam) đạt mức tăng trưởng cao, các thị trường chủ chốt khác đều tăng trưởng chậm hơn so với năm 2021.
Về kế hoạch kinh doanh 2023, STK dự kiến doanh thu hơn 2.149 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 253 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm 2022.
Như vậy, STK có phần thận trọng trong mục tiêu kinh doanh năm nay. Bởi, doanh nghiệp cùng ngành khác là CTCP Damsan (ADS) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.984 tỷ đồng, tăng 73,8% và 110 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ.
Trả lời chất vấn của cổ đông tại đại hội về khả năng hoàn thành mục tiêu kinh doanh, lãnh đạo STK cho biết, công ty tiếp tục thực hiện chiến lược marketing, bán hàng, đi vào chuỗi cung ứng của từng thương hiệu riêng biệt, vốn thực hiện 2 năm nay. Đây là những đơn hàng có sự đảm bảo nhất định dù thị trường có giảm cũng ít bị tác động. Khi thị trường hồi phục công ty có thêm nhiều đơn hàng hơn.
“Yếu tố trọng yếu nhất là nhu cầu của toàn cầu. Nhu cầu tăng lên, phục hồi bình thường của toàn cầu quyết định công ty có đạt kế hoạch hay không. Giả sử nhu cầu không hồi phục mạnh, công ty dựa vào chiến lược kết hợp với các thương hiệu làm sản phẩm. Doanh thu có thể không tăng nhiều, nhưng giá bán tốt hơn mang lại hiệu quả cao”, lãnh đạo STK cho biết.
Mặc dù lượng tiêu thụ được dự báo giảm và chi tiêu cho may mặc có phần thắt chặt hơn, phân khúc trang phục thể thao cao cấp vẫn được đánh giá có nhiều tích cực trong năm 2023.
Theo lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, công ty có khoảng 80% doanh thu là cung cấp các mặt hàng cao cấp cho các nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Uniqlo, Lululemon. Nhờ vào mạng lưới khách hàng chuyên cung cấp cho các “ông lớn”, STK có nhiều lợi thế để thúc đẩy hoạt động bán hàng và nâng cao biên lợi nhuận hơn các đối thủ cùng ngành khác.
Kết quả kinh doanh khởi sắc từ quý 3
Báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect (VND) đề cập, chỉ số PMI tại Trung Quốc đã tăng lên 52,6 trong tháng 2/2023. Đây là lần đầu tiên hoạt động sản xuất tăng trở lại kể từ tháng 7 năm ngoái và là mức cao nhất trong 8 tháng sau khi thay đổi chính sách COVID.
VND kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023. Việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến việc xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc như xơ, sợi phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.
Do ở khâu thượng nguồn, các nhà sản xuất sợi sẽ bị ảnh hưởng sớm hơn so với các doanh nghiệp hạ nguồn do các khách hàng lớn giảm hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng yếu đi. Theo đó, VND cho rằng các doanh nghiệp sợi như STK, HTG, PPH, ADS sẽ có dấu hiệu phục hồi từ quý 3/2023, sớm hơn so với các doanh nghiệp may mặc.
Nhận định trên cũng được ông Đặng Triệu Hòa, CEO STK chia sẻ với các cổ đông khi tiết lộ kết quả kinh doanh quý 1 và 2/2023 dự kiến chưa có nhiều khởi sắc. Công ty sẽ bắt đầu phục hồi trong quý 3, đi vào bình thường trong quý 4.
Theo vị này, dự kiến quý 4, tồn kho của công ty khá cao, nguyên nhân do STK hoãn lại các đơn hàng cho các mùa thu đông 2023. Bù lại, công ty chuẩn bị đơn đặt hàng cho mùa thu đông 2024, dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2023 tới tháng 5 và 6/2024. Dự kiến mùa thu đông 2024, nhu cầu sợi sẽ có đơn hàng phục hồi mạnh.
Về kế hoạch 2023-2025, định hướng tới 2027, STK không có nhiều thay đổi với việc duy trì chiến lược sản phẩm xanh - sợi tái chế, không sử dụng nước, thuốc nhuộm trong ngành nhuộm, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng.
Về dài hạn, công ty đầu tư cho một số dự án nâng thêm công suất, tập trung công nghệ cho sợi tái chế. Công ty sẽ hợp tác thêm một số thương hiệu khác, dần dần cung ứng của công ty không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường mà cung ứng một số chuỗi riêng biệt.
Cụ thể, công ty dự kiến vận hành dự án Unitex từ đầu năm 2024. Nhà máy có quy mô công suất 60.000 tấn sợi/năm; trong đó giai đoạn 1 là 36.000 tấn/năm; giai đoạn 2 là 24.000 tấn/năm.
Đánh giá về dự án trên của STK, VND kỳ vọng, nhà máy Unitex giai đoạn 1 sẽ chạy thương mại trong quý 1/2024, nâng tổng công suất STK lên 96.000 tấn/năm để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với sợi tái chế ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Khi dự án Unitex hoàn thành, STK trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam vào năm 2025.