Còn nhớ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) từng nhận định “giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, nhưng tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc nhiều vào cầu của thị trường”.

Nhìn vào xu hướng của Hòa Phát trước và sau thời điểm ông Trần Đình Long nói, có thể thấy hiện tại Hòa Phát đã vượt qua điểm đáy của giai đoạn khó khăn vào quý IV/2022 và bắt đầu bước vào chu kỳ phục hồi khi lợi nhuận trong năm 2023 được ghi nhận dày lên qua từng quý.

Đầu năm 2024, nhiều công ty chứng khoán nhận định Hòa Phát đang bước vào một chu kỳ lợi nhuận mới trong bối cảnh ngành thép có những tín hiệu hồi phục tích cực hơn, nhất là từ sự tăng trưởng trở lại của tiêu thụ thép xây dựng ở thị trường trong nước nhờ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản.

Và thực tế, kết quả kinh doanh trong 3 quý năm 2024 của Hòa Phát cũng chứng minh doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành thép này vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng.

Trong quý III vừa qua, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát tuy có sụt giảm so với quý II nhưng vẫn tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 51% so với quý III năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Hòa Phát ghi nhận hơn 105.000 tỷ đồng doanh thu và 9.210 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 23% và 140% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu và 92% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Theo Hòa Phát, doanh thu bán hàng tăng, biên lợi nhuận một số lĩnh vực kinh doanh được cải thiện như thép, nông nghiệp đã giúp lợi nhuận của tập đoàn này tăng trưởng. Trong đó, lợi nhuận của nhóm thép và các sản phẩm liên quan chiếm tới 85% và ghi nhận tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là nhóm nông nghiệp với mức tăng trưởng lợi nhuận 80%. Lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp duy trì biên lợi nhuận ổn định ở mức 39%.

 

Trong 9 tháng năm 2024, Hòa Phát đã sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Với sản lượng tiêu thụ trên đà tăng trưởng, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agriseco dự báo sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ nhu cầu từ thị trường xây dựng sôi động trở lại sau mùa mưa và các luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thẩm thấu vào nền kinh tế giúp thị trường đẩy mạnh nguồn cung trong thời gian tới cũng như từ việc tăng tốc triển khai các dự án đầu tư công những tháng cuối năm.

Trên cơ sở đó, biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong quý cuối năm 2024 với việc giá quặng sắt tăng khoảng 15% sau khi Trung Quốc tung ra một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đồng thời Hòa Phát cũng đã điều chỉnh tăng giá thép đầu ra từ đầu tháng 10 theo diễn biến giá nguyên vật liệu. Do đó, biên lợi nhuận có thể được cải thiện trong quý tới nhờ hàng tồn kho giá rẻ quý trước.

Ngoài ra, cùng với triển vọng phục hồi của thị trường, giới đầu tư cũng đang nghe ngóng kết quả điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc, dự kiến sẽ được công bố trong tháng 11/2024. Việc áp thuế chống bán phá giá nếu được áp dụng sẽ khiến lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam giảm bớt, từ đó giảm áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, trong đó có Hòa Phát.

Hơn thế nữa, thời điểm quyết định áp thuế chống bán phá giá được áp dụng (từ cuối 2024) cũng là lúc dự Khu liên hợp sản xuất gang thép tỷ đô Dung Quất 2 của Hòa Phát đi vào hoạt động. Theo thông tin cập nhật, hiện Hòa Phát đang “chạy nước rút” để hoàn thiện dự án quy mô 5,6 triệu tấn thép HRC/năm này. Đến nay, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Trong đó, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng lò cán đầu tiên vào cuối năm 2024.

Khi cả hai giai đoạn của Dung Quất 2 đi vào hoạt động, năng lực sản xuất thép của Hoà Phát sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm và tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Tuy nhiên, chiều ngược lại, Hòa Phát cũng đối mặt rủi ro khi Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 7/2024 thông báo đã nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu HRC từ Việt Nam. Trong khi đó, thị trường châu Âu chiếm tới 37% tổng doanh thu xuất khẩu của Hòa Phát vào năm 2023, nên nếu bị áp thuế chống bán phá giá, doanh thu xuất khẩu của Hòa Phát vào châu Âu sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Dù vậy, Hòa Phát có thể giảm bớt tác động bằng cách tăng tỷ trọng thị trường nội địa cũng như các thị trường xuất khẩu khác như cách mà Chủ tịch Trần Đình Long từng khẳng định: “Hòa Phát không dành quá nhiều cho xuất khẩu vì chỉ cần một lệnh áp thuế chống bán phá giá là doanh nghiệp lao đao. Bên cạnh đó, nguyên tắc của Hòa Phát là ‘không bỏ trứng vào một giỏ’, tức chọn xuất khẩu sang nhiều thị trường chứ không riêng một thị trường nào”.

Với thị trường trong nước và thế giới vẫn còn rộng mở dù không ít cạnh tranh, lãnh đạo Hòa Phát khẳng định doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tập trung mũi nhọn vào ngành thép, nhất là thép chất lượng cao.

Đó cũng là lý do sau Dung Quất 2, Hòa Phát lại “gối đầu” bằng “ván cược tỷ đô” tiếp theo vào nhà máy thép 86.000 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên. Dự án này là một trong 3 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 123.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD) đã được Hòa Phát ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tỉnh Phú Yên từ đầu tháng 3/2024.

Hồi tháng 7/2024, UBND tỉnh Phú Yên đã có động thái “mở đường” cho việc xây dựng nhà máy thép của Hòa Phát khi phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Hòa Tâm, trong đó có 633ha đất chia làm 7 lô dành cho sản xuất công nghiệp. Các khu đất công nghiệp bố trí tập trung tạo thành các nhóm nhà máy công nghiệp có quy mô lớn từ 30 - 250ha để đáp ứng cho các ngành luyện kim, năng lượng, lọc hóa dầu,...

Trong thông tin gần đây, Hòa Phát hé lộ nhà máy thép ở Phú Yên dự kiến sẽ là nơi sản xuất các thanh ray cho đường sắt cao tốc có chiều dài phổ biến từ 50m đến 100m. Các thanh ray này sẽ phải sử dụng đường sắt để vận chuyển thay vì đường bộ.

Trước đó, tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra vào tháng 9, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đã chuẩn bị và nghiên cứu về việc phát triển thép dành cho đường ray đường sắt cao tốc trong 2-3 năm qua, đồng thời khẳng định việc sản xuất thép đường ray nằm trong khả năng của doanh nghiệp.

"Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ 350km/h trên trục Bắc - Nam, đồng nghĩa với việc thanh ray phải dài 100m. Việc vận chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn và một số quốc gia như Nhật Bản đã đặt nhà máy sản xuất ngay tại nơi thi công dự án. Nhưng chúng tôi sẽ tính toán kỹ lưỡng!", ông Long nhấn mạnh.

Để giải quyết bài toán vận chuyển, Hòa Phát đã có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Yên xin chủ trương để tập đoàn này nghiên cứu khảo sát đầu tư dự án tuyến đường sắt rẽ từ đường sắt Bắc - Nam ra cảng Bãi Gốc với chiều dài gần 12km nhằm kết nối nhà máy luyện kim, sản xuất thép của tập đoàn này tại Khu công nghiệp Hòa Tâm với tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn với chi phí logistics hợp lý.

Từ đề xuất của Hòa Phát, UBND tỉnh Phú Yên mới đây vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin chủ trương kết nối tuyến đường sắt từ cảng Bãi Gốc với tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Có thể thấy, Hòa Phát đang rất rốt ráo “đón đầu” cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bởi theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện, tuyến đường dài khoảng 1.541km này nếu sử dụng toàn bộ các ray có chiều dài 100m thì sẽ cần khoảng 61.640 thanh ray 100m (thiết kế đường đôi, cần 4 thanh song song).

Hơn thế nữa, trong cùng khoảng thời gian thực hiện dự án (2024-2035), Việt Nam còn dự kiến triển khai nâng cấp nhiều tuyến đường sắt quan trọng, như đường sắt Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ và xây dựng 580km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và nâng cấp nhiều tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu lớn cho thị trường thép ray, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép, cơ khí trong nước. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị về hạ tầng, công nghệ và năng lực sản xuất đáp ứng được tiến độ.

Với Hòa Phát, nếu đúng như lời vị Chủ tịch khẳng định rằng doanh nghiệp đã có sự nghiên cứu trong 2-3 năm qua và dây chuyền sản xuất có thể đáp ứng được yêu cầu, cộng thêm đề xuất đầu tư dự án tuyến đường sắt rẽ từ đường sắt Bắc - Nam ra cảng Bãi Gốc (nếu được thông qua) thì đây sẽ là “cơ hội không thể bỏ qua” cho tăng trưởng giai đoạn tiếp theo của tập đoàn này.