Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong năm 2022, thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đạt mức ước lượng là 16,4 tỷ USD.
Con số này tương đương với 7,5% tổng doanh thu từ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên toàn quốc. Đặc biệt, với mức tăng trưởng ấn tượng 20% hàng năm, Việt Nam đã được eMarketer đánh giá là một trong 5 quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Được đánh giá là tiềm năng với nhiều dư địa phát triển nhưng hiện nay thị trường thương mại điện tử lại đang chủ yếu “nằm trong tay” các nền tảng của doanh nghiệp ngoại như Shopee, Lazada, Grab,…
Shopee dẫn đầu thị trường
Xét về mặt doanh thu, theo dữ liệu từ Vietdata, Shopee Việt Nam hiện là đơn vị dẫn đầu với mức doanh thu tăng lên ấn tượng gần 11.000 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 92.2% so với năm 2021.
Về lợi nhuận, sau nhiều năm báo lỗ sau thuế “khủng” lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vào năm 2022 Shopee Việt Nam đã có mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng vào năm 2022, cao hơn hẳn các đối thủ trong cùng ngành.
Với mức tăng trưởng mạnh mẽ trên, Shopee đã mở rộng thị phần của mình và gia tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường Việt Nam một cách đáng kể.
Về Shopee, đây là nền tảng thương mại điện tử được thành lập bởi tập đoàn SEA vào năm 2015, có trụ sở tại Singapore và hoạt động tại Đông Nam Á và Đài Loan. Shopee không chỉ cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến, mà còn kết nối người mua và người bán, hỗ trợ việc kinh doanh trên nền tảng số.
Shopee cung cấp nhiều loại sản phẩm khác nhau, như thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện thoại, tivi, xe máy,... Theo báo cáo của Metric, Shopee hiện tại đang là một đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Cụ thể, trong vòng 5 tháng trở lại đây, công ty này đã chiếm lĩnh đến 70.96% thị phần doanh số khi so với các đối thủ cùng ngành khác là Lazada, Tiki và TikTok.
Á quân Lazada đến từ Trung Quốc
Lazada là một nền tảng thương mại điện tử được thành lập vào năm 2012 và hiện tại đang hoạt động tại Việt Nam và 5 quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Hiện tại, Lazada là một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu trong khu vực, được sở hữu bởi tập đoàn Alibaba.
Về kết quả kinh doanh, dữ liệu từ Vietdata cho thấy, trong năm 2022, Lazada đã đạt được một kết quả kinh doanh khả quan khi doanh thu của công ty tăng lên hơn 6,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 94,2% so với năm 2020.
Tuy nhiên, theo Vietdata, Lazada lỗ sau thuế hơn 225 tỷ đồng trong năm 2022.
Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021, Lazada đã ghi nhận bước tiến đáng kể khi doanh thu của họ vượt qua đối thủ cạnh tranh lớn là Shopee. Tuy nhiên, vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Lazada đã chậm lại, không còn sánh kịp với mức tăng trưởng nhanh chóng của Shopee.
Grab - ông lớn gọi xe công nghệ chuyển hướng
Grab là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, cung cấp các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và thanh toán kỹ thuật số tại Singapore và các quốc gia Đông Nam Á.
Grab được thành lập vào năm 2012 bởi Anthony Tan và Tan Hooi Ling. Ban đầu, Grab hoạt động như một ứng dụng đặt taxi, nhưng sau đó đã mở rộng sang các dịch vụ khác như GrabBike, GrabCar, GrabExpress, GrabFood, GrabMart, và GrabPay. Bên cạnh đó, Grab đã huy động được hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư như SoftBank, Temasek Holdings, và GIC.
Về tình hình kinh doanh, theo Vietdata, doanh thu của Grab vào năm 2020 ở mức hơn 3,7 nghìn tỷ đồng và sau đó giảm nhẹ 11% vào năm 2021 trước khi tăng trưởng lên hơn 6 nghìn tỷ vào năm 2022, tăng 90.8% so với năm 2021.
Cùng với đà tăng trưởng với doanh thu, mức lợi nhuận sau thuế của Grab cũng lấy lại đà phục hồi, sau khoản lỗ hơn 300 tỷ vào năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Grab đã tăng lên hơn 332 tỷ đồng vào năm 2022.
Foody - ứng dụng Việt thua xa về doanh thu và “mịt mù” lợi nhuận
Foody được biết đến là ứng dụng di động và trang web chuyên về ẩm thực và dịch vụ ăn uống tại Việt Nam.
Thời gian qua, Foody đã trở thành một trong những nền tảng hàng đầu trong lĩnh vực này kể từ khi được thành lập vào năm 2011 bởi Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Thanh Việt.
Được biết, Foody cung cấp thông tin chi tiết về hơn nửa triệu nhà hàng, quán ăn và quán cà phê trên khắp Việt Nam, giúp người dùng tìm kiếm nhà hàng theo địa điểm, món ăn, giá cả và nhiều tiêu chí khác.
Ngoài ra, Foody còn là nơi chia sẻ đánh giá và bình luận của người dùng về các nhà hàng và quán ăn, tạo nên một cộng đồng ẩm thực sôi động và đa dạng.
Foody hiện cũng cung cấp các dịch vụ như đặt bàn, giao hàng và đặt món, giúp người dùng có thể dễ dàng đặt món ăn từ các nhà hàng và quán ăn mà họ yêu thích mà không cần rời khỏi ứng dụng.
Về kết quả kinh doanh, dữ liệu từ Vietdata cho thấy, trong giai đoạn 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022, Foody đã chứng kiến đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh của mình.
Mức doanh thu năm 2021 của Foody đã tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2020, và tăng thêm 65,7% lên mức hơn 2.000 tỷ đồng vào năm 2022.
Đáng chú ý, mức lỗ sau thuế năm 2022 của Foody là 182 tỷ đồng, giảm nhiều so mức mức hơn 1500 tỷ đồng năm 2020.
Theo đó, dù có sự tăng trưởng nhanh về mặt doanh thu nhưng Foody vẫn chưa thể cải thiện mạnh được hiệu quả kinh doanh khi lãi ròng vẫn ở mức âm.