Nền tảng Reputa vừa công bố Bản tin ngành thương mại điện tử (TMĐT) năm 2022, với thông tin cập nhật về xếp hạng của các sàn TMĐT tại Việt như Shoppe, Lazada... trong năm vừa qua; cùng một số thống kê đáng chú ý khác về hoạt động của ngành khi thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng.
Shopee bỏ xa các đối thủ
Theo Reputa, Shopee đang tiếp tục dẫn đầu Bảng xếp hạng những sàn TMĐT phổ biến tại Việt Nam, đồng thời ngày càng "vượt mặt" Lazada về độ nhận diện trên các nền tảng số.
Cụ thể, dẫn lại báo cáo liên quan của Metric, với thống kê doanh số 4 sàn TMĐT hàng đầu là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo năm 2022 Reputa nhận định - Shopee hiện là sàn TMĐT phổ biến nhất Việt Nam khi chiếm gần 73% tổng doanh số của 4 sàn này, tương đương với 91.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Lazada - đối thủ cận kề nhất của Shopee chỉ có với doanh thu khoảng 26,5 nghìn tỷ, chiếm 20%.
Kế đến, TikTok Shop đã chốt lại năm 2022 thành công ở vị trí thứ 3, vượt mặt cả Tiki và Sendo với Total Score đạt 13,56. Với sự tăng trưởng nhanh chóng này, Tiktok cho thấy nền tảng này đã không chỉ dừng lại ở mảng giải trí mà ngày càng đẩy mạnh trong ngành TMĐT.
Bảng xếp hạng Top 5 sàn TMĐT theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội năm 2022. Nguồn Reputa
Đáng chú ý, báo cáo của Metric còn cho thấy, mức doanh thu trong 1 tháng của TikTok Shop hiện tại tương đương với 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki.
Còn Tiki - sàn TMĐT nổi bật của Việt Nam, sau khi bất ngờ bị Sendo chiếm mất vị trí thứ 4 về nhận diện ở tháng 11 đã quay trở lại thành công vị trí cũ. Còn xét trên doanh thu, chốt lại năm 2022, báo cáo của Metric ghi nhận Tiki chiếm khoảng 5% thị phần với doanh thu (của 4 sàn được thống kê) tương đương 5.700 tỷ đồng. Trong khi Sendo chỉ chiếm khoảng, 1% với doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Sự "phân mảnh" trong lĩnh vực gọi xe công nghệ
Trong Bảng xếp hạng ngành Giao thông vận tải, Grab được ghi nhận là thương hiệu dẫn đầu với Total Score đạt 11,41 - gấp 2 lần vị trí thứ 2 là Be.
Tuy nhiên, ở Bảng xếp hạng ngành Giao nhận Thực phẩm và Đồ uống, Grab lại chỉ xếp ở vị trí thứ 3 với Total Score đạt 3,25. Còn dẫn đầu ở Bảng xếp hạng này lại là Shopee Food với Total Score đạt 8,14 - gấp tới gần 2 lần Be Food.
Nhóm nghiên cứu của Reputa nhận định, trong nhiều năm qua, ưu đãi giảm giá luôn là hoạt động chính của các sàn và cũng là yếu tố chính để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên ở bối cảnh hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng ngày càng được phân hóa thành nhiều nhu cầu khác biệt nên việc tìm hiểu sâu hơn tâm lý và hành vi mua sắm của khách hàng là thật sự cần thiết.
Bảng xếp hạng sàn TMĐT ngành Giao thông vận tải phổ biến trên MXH năm 2022. Nguồn Reputa
Còn xét về mức độ phổ biến, nhận diện của các công ty TMĐT, trong năm 2022, bất ngờ là Meta và Nguyễn Kim mới là 2 doanh nghiệp dẫn đầu Bảng xếp hạng; và kế đến mới là FPT Shop và Điện Máy Xanh.
Trong nhóm giữa của top 10, điểm số của các thương hiệu Kids Plaza, Media Mart, Hoàng Hà Mobile và Viettel Store có sự chênh lệch không đáng kể. Trong khi đó, "anh em" của Điện Máy Xanh là Thế giới di động lại chỉ đứng ở vị trí thứ 9 với 7,43 điểm.
Bảng xếp hạng các Công ty TMĐT phổ biến trên MXH năm 2022. Nguồn Reputa
TMĐT chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam
Trong những năm gần đây, TMĐT luôn được xem là một trong những trụ cột có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam tới hàng chục % mỗi năm.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2022, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Theo ước tính, có tới gần 60 triệu người Việt tham gia mua hàng online với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 - 285 USD trong năm 2022.
Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy 2022 của Google và Bain & Company nhận định Việt Nam đứng đầu trong nhóm 6 nền kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng trong năm 2022, trong đó TMĐT có tốc độ tăng cao nhất khu vực.
Theo đó, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa ước tính tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục 120 - 200 tỷ USD vào năm 2030.
Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam được dự kiến có thể đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực TMĐT. Còn tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt tới ngưỡng 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực TMĐT là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.