Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra mới đây, một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm và đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN) là tình trạng cổ phiếu HVN bị hạn chế giao dịch khi vốn chủ sở hữu hợp nhất vẫn âm 17.026 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa thừa nhận cổ phiếu của hãng đang bị hạn chế giao dịch trên sàn chứng khoán do nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xung đột trên thế giới khiến nhiều hãng hàng không chịu hệ luỵ nặng nề.
Tuy nhiên, ông Hoà cho biết rằng hoạt động của Vietnam Airlines đã được cải thiện trong thời gian gần đây và đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực tự thân của hãng.
Theo đó, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các hãng bay như giảm phí thuế bảo vệ môi trường, phí cất hạ cánh. Riêng Vietnam Airlines đã nhận được gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng (gồm ngân hàng cho vay 4.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng tăng vốn chủ sở hữu).
Bên cạnh đó, trong gần 4 năm qua, Vietnam Airlines cũng nỗ lực cắt giảm chi phí nội bộ, giãn hoãn thanh toán, tăng cường đàm phán chủ nợ giảm tiền thuê máy bay… “Các giải pháp đã giúp Vietnam Airlines cắt giảm chi phí lên tới 42.400 tỷ đồng trong gần 4 năm vừa qua, trong đó 18.000 tỷ đồng được cắt giảm là nhờ hỗ trợ của Nhà nước, ngoài ra Tổng công ty cũng nỗ lực cắt giảm nội bộ bằng cách tăng cường đàm phán với các chủ nợ quốc tế giảm thuê máy bay được hơn 16.000 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng được giãn hoãn để có thêm dòng tiền hoạt động”, ông Hòa nói.
Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, năm nay, hãng sẽ tiếp tục duy trì chặt chẽ các chương trình tiết kiệm và quản trị chi phí, tìm kiếm cơ hội đàm phán giảm, giãn, hoãn thanh toán. Để duy trì cân đối dòng tiền, Tổng công ty đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và thực hiện các biện pháp tối ưu hóa chi phí, doanh thu, quản trị tài chính hiệu quả.
Trong năm nay, Vietnam Airlines cũng dự kiến sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) để bổ sung thu nhập và dòng tiền (Tổng công ty đã đưa vào dự kiến kế hoạch 2024 thu nhập thoái vốn TCS khoảng 1.700 tỷ đồng trên cơ sở thận trọng về giá trị và tiến độ thoái vốn). Nhờ đó, kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi; trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ dự kiến đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.
Mục tiêu lớn trước mắt là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024, kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch COVID-19.
Quý I vừa qua, Vietnam Airlines hoạt động bước đầu khởi sắc và có hiệu quả trong kinh doanh vận tải, lãi hợp nhất trên 4.000 tỷ đồng.
Cũng từ cuối quý I, cổ phiếu HVN bắt đầu chuỗi tăng liên tục và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh 5 năm qua, từ tháng 6/2019. Vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines theo đó cũng đạt mức 77.836 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,1 tỷ USD, tăng trưởng hơn 160% chỉ sau chưa đầy 3 tháng.
Lý giải về việc cổ phiếu HVN liên tục tăng cao từ cuối tháng 3/2024, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết là dựa trên báo cáo tài chính của hãng và hoạt động theo thị trường dựa trên sự đánh giá của cổ đông hay nhà đầu tư quan tâm nên rất công khai, minh bạch.
“Hy vọng với sự nỗ lực của HVN trong việc cân đối thu chi, cùng các giải pháp tái cơ cấu, khắc phục âm vốn chủ sở hữu, xóa lỗ lũy kế, tình hình tài chính thay đổi theo hướng tích cực sẽ bổ sung dòng tiền phục hồi năng lực tài chính lành mạnh như trước dịch, các chỉ số sớm trở lại mức an toàn đủ điều kiện để được giao dịch trở lại”, ông Hòa nói.
Trước đó, vào tháng 12/2023, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 26/12/2023 với lý do hãng hàng không này đã tổ chức thành công họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.
Dù được đưa ra khỏi diện cảnh báo, nhưng 2,2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi vi phạm cả 3 điều kiện, gồm kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt doanh hơn 70.792 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021.
Song, hãng vẫn lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng (giảm lỗ hơn 2.056 tỷ đồng so với năm 2021), đánh dấu năm thứ ba liên tiếp thua lỗ và nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 35.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.056 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2022).
Hồi đầu năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Cụ thể, dự thảo tập trung vào việc bổ sung khoản 7 Điều 120 về "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".
Nếu dự thảo này được thông qua, đây có thể là cơ sở pháp lý mở đường cho trường hợp duy trì niêm yết đặc biệt của Vietnam Airlines.