Ngày 22/10, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Theo nội dung bảng giá đất điều chỉnh vừa được ban hành, giá đất tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng khoảng 4-38 lần so với giá đất hiện hành. Trong đó, giá đất cao nhất thuộc về các khu vực đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) với mức 687.200.000 đồng/m2.
Liên quan đến việc này, trong trao đổi cùng báo chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, bảng giá đất điều chỉnh đã được Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng tuân thủ nguyên tắc định giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024, thực hiện phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Theo ông Châu, bảng giá đất điều chỉnh sẽ tác động trực tiếp đến các cá nhân, hộ gia đình khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), hoặc xin hợp pháp hóa quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp gắn liền với nhà ở trong cùng thửa đất đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, hoặc xin tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, sẽ nộp tiền sử dụng đất cao hơn trước đây.
Bảng giá đất điều chỉnh cũng sẽ được áp dụng cho việc tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng, sẽ giúp tạo nguồn cung quỹ đất thực hiện các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị.
Bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án hiện nay được định giá đất chủ yếu theo phương pháp thặng dư nhưng sẽ tác động đến thị trường ở “pha 2” khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thì người dân có tâm lý muốn bán với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà.
Do vậy, cần có biện pháp để kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu”, “cò đất”, có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành bảng giá đất điều chỉnh để “kích giá”, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi bất chính.
“Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, đi đôi với các biện pháp quản lý, điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản”, ông Châu kiến nghị.
Cùng quan điểm, TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản cho rằng, đối với một dự án bất động sản thì chi phí về đất là một trong những chi phí đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của dự án.
Do đó, việc áp bảng giá đất mới sẽ làm tăng chi phí sử dụng đất, đẩy giá nhà tăng cao hơn. Vì vậy, cần có biện pháp kiểm soát đi kèm để tránh các đội nhóm đầu cơ lợi dụng tạo hiệu ứng dây chuyền, đẩy giá bất động sản tăng mất kiểm soát.
Mặt tích cực là khi có bảng giá đất sát giá thị trường thì sẽ giảm được tình trạng “cò kè” tiền đền bù với người dân, từ đó tạo sự đồng thuận, đẩy nhanh tốc độ thu hồi đất, tạo mặt bằng sạch giúp các dự án nhanh chóng triển khai, hạn chế đội vốn…, điều này tốt cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Riêng với những nhà đầu tư, dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì sẽ bất lợi khi giá đất tăng, chi phí giải phóng mặt bằng đội lên cao.