Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 1/12/2023, đã có 35 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 11 với tổng giá trị hơn 29.331 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 8.2%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 249.454 tỷ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.070 tỷ đồng (chiếm 10.9% tổng giá trị phát hành) và 217 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 222.84 tỷ đồng (chiếm 89.1% tổng số).
Ở chiều ngược lại, trong tháng 11 vừa qua, các doanh nghiệp đã mua lại 10.664 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 11. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11 đạt 210.003 tỷ đồng, tăng 16.9% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 84.2% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 47.9% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 100,490 tỷ đồng).
“Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 26.761 tỷ đồng. 46% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 12.372 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 4.030 tỷ đồng (chiếm 15%)”, VBMA cho biết.
Về lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 tương đối lớn với hơn 297.000 tỷ đồng trái phiếu tới hạn, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn, theo thống kê mới nhất từ Chứng khoán Yuanta.
Cụ thể, trong năm 2024, bất động sản có khoảng 123.000 đồng trái phiếu tới hạn, tiếp theo là ngân hàng với gần 80.000 tỷ đồng, nhóm xây dựng và vật liệu 22.000 tỷ đồng; du lịch giải trí gần 20.000 tỷ đồng, còn lại là nhóm khác gồm dịch vụ tài chính.
Năm 2025, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ hạ nhiệt với khoảng 270.000 tỷ đồng nhưng con số này chỉ thấp so với năm 2024 và cao hơn đáng kể so với những năm trước đó.