Tại báo cáo trên, đề cập đến gói 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 73 dự án; trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án: Hà Nội (6 dự án), TPHCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...
Hiện ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) tham gia gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 có thêm TPBank và VPBank đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền 1.234 tỷ đồng; trong đó, có 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Đáng chú ý, trong các ngân hàng tham gia chương trình, Agribank đã giải ngân được 531 tỷ đồng, Vietinbank được 306 tỷ đồng, BIDV được 134 tỷ đồng, TPBank giải ngân được 170 tỷ đồng. Thấp nhất là Vietcombank với 2 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính từ 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã triển khai với quy mô 418.200 căn; trong đó, đã hoàn thành 75 dự án với quy mô 39.884 căn, khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 115.379 căn. Ngoài ra, các địa phương cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao 4 ngân hàng thương mại triển khai từ 1/4/2023 theo Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Khi mới triển khai, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, việc giải ngân gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 còn chậm và gặp phải khó khăn vướng mắc như: Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng như: Không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…
“Mặc dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng lãi suất cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên "chưa thực sự thu hút người vay", báo cáo nêu rõ.