Giá vàng tăng gần 50USD/ounce trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, báo cáo thị trường việc làm Mỹ đã làm rõ cho những điểm trái chiều trong thông điệp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng thời giới chức Trung Quốc phát đi thông điệp nới lỏng chính sách kiểm soát COVID-19, tuy nhiên vẫn cần đến sự thận trọng khi mà nhiều đợt lên giá mạnh của vàng thường bị giới đầu tư biến thành cơ hội chốt lời.
Sau khoảng thời gian sụt giảm dài nhất trong 5 thập kỷ, giá vàng đã có một khởi đầu tháng 11 đầy ấn tượng.
Trong tuần vừa qua, thị trường tài chính và hàng hóa đã đón nhận thông điệp trái chiều sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp.
Nếu nhìn từ góc độ chính sách mềm mỏng, ông Powell nói rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ hiện nay đang rất quan tâm đến tác động siết chặt tổng thể và độ trễ phù hợp của chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến lạm phát và hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ quan điểm cứng rắn, chủ tịch Fed nhấn mạnh rằng lãi suất đồng USD cuối cùng sẽ cao hơn so với kỳ vọng trước đây, đồng thời nói thêm rằng khả năng hạ cánh mềm ngày một hẹp hơn.
Vào sáng ngày thứ Sáu, khi báo cáo thị trường việc làm Mỹ được công bố, tỷ lệ thất nghiệp lên mức 3,7% bất chấp số liệu việc làm tốt vượt dự báo.
“Báo cáo nhấn mạnh rằng thị trường lao động đang hạ nhiệt, và đó có thể coi là thông tin tốt. Giá vàng tăng vọt còn đồng USD có ngày giao dịch tồi tệ nhất tính từ tháng 2/2020. Thị trường giờ đây tin rằng Fed sẽ có thể xử lý tốt tình hình và có thể nâng lãi suất ở tốc độ chậm hơn”, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại OANDA – ông Edward Moya nói với Kitco News.
Tuy nhiên sự chững lại của tốc độ nâng lãi suất không đồng nghĩa Fed sẽ ngừng đẩy lãi suất tăng cao. “Thị trường đang bắt đầu tính đến khả năng lãi suất đồng USD sẽ được đẩy lên 5,25% và lợi suất trái phiếu đồng USD thời hạn 2 năm cũng tăng cao”, ông Moya phân tích.
Sau thông tin trên, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 2 năm tăng hơn 50 điểm cơ bản, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm – chỉ báo quan trọng về suy thoái kinh tế hiện đang lên sát mức cao nhất 40 năm.
“Thị trường đang tính toán về khả năng kinh tế hạ nhiệt. Thực tế này phản ánh trong đường cong lợi suất trái phiếu 2 năm và 10 năm”, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities – ông Bart Melek nói với Kitco News.
Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ bức tranh. Kỳ vọng Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 đã đẩy giá vàng tăng lên. “Chúng tôi đang đón nhận kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 hoặc ít nhất giảm bớt các biện pháp, kỳ vọng này tác động đến toàn thị trường”, ông Melek nói.
Dù rằng biến động ấn tượng trong phiên ngày thứ Sáu, nhiều chuyên gia phân tích không tin quá trình tăng giá mạnh của vàng sẽ kéo dài, và xu thế dài hạn của giá vàng khá bi quan.
“Chắc chắn bất kỳ sự tăng giá nào của thị trường cũng sẽ mất đi. Hiện vẫn còn quá sớm để giá vàng có thể tăng, Fed vẫn chưa hoàn tất quá trình siết chặt chính sách”, ông Melek nói.
TD Securities dự báo giá vàng sẽ rơi xuống dưới 1.600USD trong vài tháng tới khi mà lãi suất đồng USD liên bang lập đỉnh ở mức 5,5% thay cho dự báo dưới 5% vào trước đó. “Khi mà kinh tế chững lại, lãi suất thực sẽ tăng lên. Các ngân hàng trung ương sẽ không mua vào nhiều vàng như họ đã làm trong quý vừa qua, chi phí vận chuyển vàng sẽ đắt đỏ”, ông Melek nói.
Trong thời gian gần đây, cứ mỗi khi giá vàng tăng, hoạt động bán lại diễn ra trên thị trường. Chính vì vậy nhiều khả năng giá vàng sẽ có một khoảng thời gian khó khăn, chủ tịch quỹ Phoenix Futures – ông Kevin Grady nói với Kitco News.
Sự chú ý của thị trường hiện đang tập trung vào ngưỡng then chốt của giá vàng, ước tính 1.685USD/ounce, đây là mức cao trong ngưỡng mà giá vàng luôn “mắc kẹt”, chuyên gia phân tích cao cấp tại RJO Futures – ông Frank Cholly phân tích.