Tại Kỳ họp thứ 13 HĐND TP HCM khóa X, UBND TP HCM đã trình HĐND TP cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Xây dựng Vành đai 2 Thành phố, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng.
Đoạn tuyến này có 2 thành phần (gồm xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng Vành đai 2 Thành phố, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng).
Đáng chú ý, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo theo lộ giới quy hoạch phần tuyến 67m và nút giao đường Phạm Văn Đồng - Vành đai 2 (phía bên phải đường Phạm Văn Đồng theo hướng đi Quốc lộ 1K); đầu tư xây dựng 2 đường song hành hai bên, mỗi đường có bề rộng 16,5m, đáp ứng 3 làn xe để trống ở giữa 34m.
Ngoài ra, trên đoạn tuyến này dự kiến có cầu cầu Rạch Ngang gồm 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên dài 66,2m; và nút giao Phạm Văn Đồng - Vành Đai 2 với dạng thức nút giao khác mức 3 tầng.
Dự án thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư là 4.543 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Thành phố. Trong đó, dự án thành phần 1 là 2.587 tỷ đồng; dự án thành phần 2 là 1.956 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2027.
Bao giờ khép kín Vành đai 2 TP HCM?
Vành đai 2 TP HCM được quy hoạch năm 2007, có tổng chiều dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Đây là tuyến chạy ở các quận, huyện vùng ven giúp giảm quá tải cho khu vực trung tâm thành phố. Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (Quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP HCM.
Vành đai 2 TP HCM đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 50km (gồm đoạn tuyến Quốc lộ 1A từ Gò Dưa đến An Sương dài 13,5km; đoạn tuyến Quốc lộ 1A từ An Sương đến An Lạc dài 13,5km, đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh dài 12,4km; đoạn tuyến từ nút giao khu A đến cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công dài 11km.
Hiện nay, ngành giao thông đang nghiên cứu triển khai đầu tư các dự án khép kín Vành đai 2 với tổng chiều dài 14km còn lại gồm 4 đoạn.
Trong đó, đoạn 4 dài 5,3 km nối Quốc lộ 1 qua Đại lộ Nguyễn Văn Linh, tổng mức đầu tư 16.400 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng theo bề rộng 60m ước tính gần 13.200 tỷ đồng được đề xuất triển khai theo hai giai đoạn trước năm 2030. Dự án cũng bao gồm xây cầu Phú Định, Ba Tơ, hầm chui qua đường Kinh Dương Vương, cầu vượt trên tuyến Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, đường song hành.
Sở Giao thông Vận tải dự kiến từ nay đến năm 2027 sẽ làm trước đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Văn Linh, dài 3,4 km, tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đoạn tuyến dự kiến sẽ mở thêm hướng kết nối các quận 8, Bình Tân về phía Nam TP HCM thông qua cầu Phú Định, giúp giảm ùn tắc cho Quốc lộ 1, tăng năng lực giao thương hàng hóa ở khu vực.
Gần 2 km còn lại của đoạn 4 từ Quốc lộ 1 đến đường Võ Văn Kiệt, được Sở GTVT TP HCM đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 7.445 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 6.100 tỷ đồng và xây hầm chui qua đường Kinh Dương Vương, cầu vượt trên đại lộ Võ Văn Kiệt, đường song hành.
Để đẩy nhanh tiến độ, Sở GTVT đề xuất thành phố giao các đơn vị liên quan tham mưu, cân đối vốn ngân sách bố trí cho giai đoạn đầu của dự án. Trường hợp đầu tư công khó khăn, ngành giao thông kiến nghị huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, bao gồm nghiên cứu cả hình thức đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Ngoài đoạn 4, ba đoạn còn lại của Vành đai 2 TP HCM đều ở TP Thủ Đức. Trong đó, đoạn 3 dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa triển khai theo hình thức BT và đang dang dở. Đoạn 1 và 2 chưa được đầu tư.
Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, dài 3,5km có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.328 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỷ đồng) từ ngân sách thành phố.
Ngày 6/9/2023, Hội đồng thẩm định TP HCM đã thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Dự án dự kiến khởi công quý 2/2025, thi công và hoàn thành trong quý 4/2026.
Còn đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8km vừa được UBND TP HCM trình HĐND TP cho ý kiến.
TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 phải khép kín được đường Vành đai 2 để giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc.