Từ tuần qua, giá USD bán ra tại các ngân hàng đã vượt 24.800 VND/USD. Tỷ giá tại Vietcombank đã tăng gần 8,5% so với đầu năm.
Về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu. Song thực tế phần lớn các doanh nghiệp đang chịu ảnh tiêu cực vì tỷ giá tăng.
TỶ GIÁ GÂY KHÓ TỪ NHIỀU PHÍA
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, lẽ ra các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá USD khi bán được giá cao vào mùa xuất hàng tốt, song thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ đang khó khăn về xuất khẩu. Nguyên nhân là do USD tăng giá cao, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường nước ngoài
“Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ không dám nhập khẩu quá nhiều vì gặp tác động mạnh của giá đầu vào. Nếu đồng USD tăng giá cao, lãi suất ngân hàng cũng sẽ có xu hướng tăng, kéo theo các doanh nghiệp vốn đã khó tiếp cận nguồn tín dụng nay lại càng thêm khó khăn. Trong khi đó, giá bán không thể tăng do đã ký hợp đồng trước đó”, ông Phương thông tin.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay, tỷ giá tăng nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu không thể vui, bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể.
Chưa kể, lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu liên tục “ép” giá.
“Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu”, ông Hồng quan ngại.
Kể cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel chia sẻ, doanh nghiệp du lịch vừa nhúc nhích hồi phục sau đợt ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, giờ đây lại phát sinh cái khó do tỷ giá tăng. Bởi, khi đưa khách Việt Nam ra nước ngoài, doanh nghiệp phải trả các đối tác dịch vụ nước bạn bằng USD, trong khi khách du lịch lại thanh toán bằng VND.
“Biên độ lợi nhuận của ngành du lịch rất mỏng, chỉ 3-5%. Vì thế, nếu tỷ giá tiếp tục tăng, biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành sẽ về 0 khi phải mua ngoại tệ với giá đắt đỏ”, ông Đạt cho hay.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, doanh nghiệp không thể thu thêm tiền với các tour khách hàng đã đặt trước. Những tour du lịch dịp cuối năm, hãng cũng phải cân nhắc phương án tăng giá sao cho cân đối việc cạnh tranh với đối thủ.
"Nếu tăng giá, doanh nghiệp sẽ mất khách, còn giữ nguyên giá hiện nay gần như không có lợi nhuận. Chúng tôi ở thế lưỡng nan giữa áp lực tỷ giá và chi phí tăng cao", ông Đạt chia sẻ.
GIẢM THIỂU THIỆT HẠI, CÁCH NÀO?
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất đến khâu chăm sóc khách hàng, từ đó hợp lý hóa sản xuất. Có như vậy, kết cấu giá thành của sản phẩm mới bù vào chi phí của sản phẩm.
Ngoài ra, để hạn chế phần nào những thiệt hại do tỷ giá gây ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị ứng phó trước như lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá; hạn chế việc vay bằng ngoại tệ khi không có đủ nguồn trả; định kỳ đánh giá lại tài sản và nguồn vốn theo giá thị trường...
“Ngay từ những năm 1998, khi Việt Nam ở cửa hội nhập quốc tế, chúng tôi đã có những truyền đạt cho các thế hệ sinh viên tài chính kế toán từ việc phải áp dụng phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái đến lựa chọn đồng tiền thanh toán và có nhiều cách cũng như các biện pháp giao dịch song song từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại từ biến động tỷ giá”, ông Thịnh thông tin.
Tuy nhiên, theo Giám đốc AZA Travel cho biết, với doanh nghiệp nhỏ và vừa, phương án phòng ngừa rủi ro cũng được tính tới, đơn cử như tích trữ sẵn một lượng ngoại tệ để tránh mua vào khi tỷ giá tăng thêm.
“Đây cũng chỉ là cách ứng phó tạm thời trong thời gian rất ngắn, bởi không phải đơn vị du lịch nào cũng đủ nguồn lực tài chính khi phần lớn đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Đạt nhìn nhận.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia trưởng của Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam, việc USD tăng giá cũng tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhưng với doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn vì nếu tăng giá sản phẩm sẽ mất thị phần, còn nếu không tăng giá thì doanh nghiệp sẽ bị giảm sút lợi nhận. Vì vậy, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ thông qua các gói hỗ trợ tài khóa như giảm giãn thuế.
“Nếu như xăng dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại thì việc cắt giảm về thuế phí cũng cần phải tiếp tục tính toán. Dù việc này có thể tác động đến ngân sách, nhưng nếu cần thì phải cân nhắc và sử dụng chính sách có chọn lọc. Việt Nam vẫn có dư địa để thực hiện chính sách tài khóa này”, ông Cường nêu góc nhìn.
Ngoài ra, để chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ tỷ giá phát huy tác dụng thì vấn đề kiểm soát ngoại tệ rất quan trọng. Nếu như có lỗ hổng trong công tác quản lý ngoại tệ thì giá USD ngoài chợ đen sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá thời gian tới.
“Công tác quản lý lý ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cần phải siết chặt”, ông Cường khuyến nghị.