Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán: PSH) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 475,6 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 3.469 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp giai đoạn này xấp xỉ 22 tỷ đồng, biến động mạnh so với mức 362 tỷ đồng của quý 1/2023.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của PSH tăng từ 870 triệu đồng lên 5,7 tỷ đồng. Các chi phí của PSH đều được tiết giảm như chi phí tài chính giảm tới 86,7% về còn 13,6 tỷ đồng do chi phí lãi vay giảm mạnh; chi phí bán hàng giảm 37,4% về còn 13,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10,5% về còn 10,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên Nam Sông Hậu báo lỗ sau thuế 29,3 tỷ đồng trong quý 1/2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty lãi xấp xỉ 199 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty báo lỗ bởi trước đó vào quý 4/2023 công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế 221 tỷ đồng.
PSH đặt mục tiêu doanh thu thuần 14.566 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 138% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 7 lần từ 47 tỷ đồng lên 327 tỷ đồng. So với mục tiêu cả năm, kết quả quý I/2024 mới hoàn thành 3,3%.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, PSH ghi nhận tổng tài sản đạt 11.079 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 10.992 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Phần lớn tài sản nằm trong hàng tồn kho với giá trị 4.690 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm gần 56 tỷ đồng so với đầu năm, về mức 1.017,8 tỷ đồng. Các bên nợ lớn của PSH là Công ty Cổ phần Sản xuất Dầu nhớt Long An (378,88 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Kho cảng ngoại quan và Thương mại Dầu khí NSH Gò Công (166,9 tỷ đồng); CTCP Thương mại Chợ Gạo (120,3 tỷ đồng).
Tổng nợ phải trả của PSH tăng 116,5 tỷ đồng, ghi nhận mức 9.517 tỷ đồng. Trong đó, PSH đang có 1.268,4 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. Nợ vay tài chính của PSH ghi nhận 6.716,4 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của PSH là Ngân hàng BIDV với dư nợ gần 4.270 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PSH đang có dư nợ trái phiếu là 756,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày 12/4 PSH đã có thông báo gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lãi cho lô trái phiếu PSHH2224003 giá trị 400 tỷ đồng phát hành tháng 6/2022 và đáo hạn vào tháng 6/2024.
Cụ thể, PSH cần phải thanh toán gần 9,7 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu này vào ngày 7/4, nhưng do chưa cân đối được nguồn tiền để thanh toán nên PSH đề xuất gia hạn ngày thanh toán 7/5/2024.
Đây là lần thứ 2 lô trái phiếu này được PSH xin gia hạn thanh toán. Trước đó hạn thanh toán là ngày 7/3 và PSH xin gia hạn sang ngày 7/4.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PSH đang trải qua giai đoạn biến động mạnh. Cụ thể, từ vùng giá 7.600 đồng/cp hồi đầu tháng 4 rớt xuống 4.390 đồng/cp bởi nhiều phiên điều chỉnh mạnh, trong đó có chuỗi giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 10/4 đến 16/4. Theo PSH, giá cổ phiếu giảm sàn liên tục do bị bán giải chấp và tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, công ty không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp tới giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Trong giai đoạn từ 8/4 đến 12/4, ông Mai Văn Huy - Chủ tịch HĐQT PSH, đồng thời là cổ đông lớn nhất đã bán ra tổng cộng khoảng 4 triệu cổ phiếu. Hiện ông còn nắm giữ hơn 75,3 triệu cổ phiếu PSH tương ứng tỷ lệ 59,69% vốn.
Ngay sau thông tin này được công bố, cổ phiếu PSH lập tức đảo chiều với hai phiên tăng trần liên tục, đưa thị giá từ 4.390 đồng lên 5.010 đồng. Không chỉ nhảy vọt về giá, thanh khoản cổ phiếu cũng dậy sóng với khớp lượng khớp lệnh lên đến 20 triệu cổ phiếu vào ngày 17/4, tương ứng giá trị giao dịch 82,8 tỷ đồng.
Đầu tháng 4/2024, cổ phiếu PSH cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo với lý do bởi tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính soát xét năm 2023 của Nam Sông Hậu.