Chiều 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.
Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022.
Tại Hội nghị, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu, tăng cường bảo vệ dữ liệu, đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, công tác hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số. Trong đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), 1 Nghị định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ được ban hành.
Những con số đạt được từ Đề án 06
Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến tháng 6, cơ sở dữ liệu này kết nối với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận tổng số hơn 1 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng (100% trùng khớp các thông tin) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hơn 600 triệu yêu cầu, có thông tin sai lệch là hơn 400 triệu yêu cầu.
Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế việc di chuyển, thời gian chờ đợi, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân. Việc này cũng giúp tinh gọn cán bộ, công chức tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”... giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ nhanh (trong vòng 6 tháng đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị) so với thời gian để các cơ sở dữ liệu quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự.
Tính đến hết ngày 30/6, có 96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là hơn 2 triệu hồ sơ (trong đó bộ, ngành là 132.626/253.837 hồ sơ, đạt 50,25%), địa phương là 1.974.488/2.030.095 hồ sơ, đạt 96,28%).
Về hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn “lõm” sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn “lõm” sóng giai đoạn 2021 - 2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022 - 2023.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến. Lũy kế đến nay, có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái), hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái), hơn 17,5 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
17,7 triệu hồ sơ trực tuyến được cung cấp từ cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái), gần 11 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…