Sức nóng của giá vàng đang trở thành chủ đề được bàn luận “rôm rả” trên khắp các diễn đàn những ngày qua. Ghi nhận trong ngày 26/12, giá vàng miếng SJC có thời điểm vượt 80 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay. Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 15%.
Nhìn sang chứng khoán, nhiều “chứng sĩ” chắc hẳn sẽ chạnh lòng khi VN-Index mãi vẫn quẩn quanh mốc 1.100 điểm. Từ đầu năm, chỉ số này mới tăng 11%. Thế nhưng, thực tế không phải ai cũng để ý là có đến hơn 600 mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán ghi nhận mức tăng cao hơn mức tăng của giá vàng từ đầu năm. Thậm chí, không ít cổ phiếu còn tăng bằng lần, có thể kể đến những cái tên quen mặt như BMP, PDR, CTD, VIX, MBS, SHS, CTS, BSI…
Mặt khác, phải thừa nhận một thực tế là kênh đầu tư chứng khoán cũng rất rủi ro khi cũng có đến hơn 600 mã giảm từ đầu năm bất chấp thị trường tăng điểm. Một số cổ phiếu thậm chí còn chia 5, chia 10 thị giá. Xác xuất để mua phải cổ phiếu có mức tăng thua giá vàng (15%) từ đầu năm lên đến hơn 60%.
Cần nhấn mạnh rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng và những con số trên chỉ mang tính chất tham khảo. Hiệu suất của các kênh đầu tư phụ thuộc nhiều vào thời điểm mua bán. Thực tế không phải ai cũng mua vàng từ đầu năm và giữ đến hiện tại. Những người nắm giữ vàng từ cách đây hơn một thập kỷ chỉ vừa mới “về bờ” và bắt đầu có lãi.
Chứng khoán cũng tương tự, không phải nhà đầu tư nào cũng ôm một cổ phiếu từ đầu năm đến nay. Với tính chất đầu cơ cao, hiệu suất đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm mua bán. Ví dụ như nhà đầu tư mua vào hồi cuối tháng 4 sẽ có xác suất “ăn đậm” cao hơn so với việc đu vào đỉnh một năm hồi giữa tháng 9. Thị trường tăng nhẹ nhưng sẽ có những nhà đầu tư lãi lớn và ngược lại không ít người “ôm” lỗ nặng.
Thực tế cho thấy, dự đoán diễn biến thị trường là một việc rất khó. Chủ tịch Dragon Capital còn từng thẳng thắn chia sẻ “Tôi đầu tư 30 năm còn không chắc mai thị trường tăng hay giảm”. Thay vì lao vào guồng quay “trading” liên tục, nhà đầu tư có thể cân nhắc trường phái nắm giữ dài hạn. Điều quan trọng là chọn được cổ phiếu để có thể yên tâm “kê cao gối ngủ”.
May mắn là chứng khoán Việt Nam cũng không thiếu lựa chọn chất lượng, điển hình nhất trong những năm qua phải kể đến FPT. Một thập kỷ qua, cổ phiếu này chỉ có duy nhất một năm 2018 là không tăng trưởng. So với thời điểm 10 năm trước, FPT đã tăng gấp 13 lần, tương đương hiệu suất trung bình 25%/năm. Ngay cả khi đu đỉnh vào đầu năm 2007 (lần đầu VN-Index lên đỉnh 1.200), nhà đầu tư nắm giữ FPT đến nay vẫn lãi gấp 4,5 lần, tức là bình quân 10%/năm.
Ngoài FPT, thị trường chứng khoán Việt Nam còn không ít cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ nhiều năm dù hiện đang không ở vùng đỉnh lịch sử. Đa phần là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất với lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng cao. Những cổ phiếu này khó tăng nóng như nhóm đầu cơ ở một số thời điểm trong ngắn hạn nhưng nếu đủ kiên nhẫn để nắm giữ nhà đầu tư có thể kỳ vọng đạt được hiệu suất vượt trội.