Phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng điểm khi mà cổ phiếu của loạt doanh nghiệp mới lên điểm nhờ tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và GDP được điều chỉnh tăng giúp làm giảm đi những nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 269,76 điểm tương đương 0,8% lên 34.122,42 điểm, chỉ số này tăng điểm nhờ cổ phiếu của các ngân hàng lên điểm mạnh. Chỉ số S&P 500 tăng 0,45% lên 4.396,44 điểm còn chỉ số Nasdaq đóng cửa không tăng điểm ở ngưỡng 13.591,33 điểm.
Cổ phiếu JP Morgan Chase và Goldman Sachs đều tăng hơn 3% còn cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo tăng 4,5%. Diễn biến của cổ phiếu ngân hàng như vậy xảy ra một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ công bố 23 tổ chức tài chính tham gia trong đợt kiểm tra vừa qua đều có đủ tiềm lực vốn để có thể chống chọi với suy thoái kinh tế.
Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong ngành tài chính Mỹ trước đây chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khi cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng trở nên tồi tệ hơn, trong đó phải kể đến vụ việc tiêu cực của ngân hàng Charles Schwab, Western Alliance và Zions Bancorporation.
Loạt dữ liệu kinh tế tích cực trong tuần này cho thấy kinh tế Mỹ vẫn vững vàng bất chấp các rủi ro suy thoái kinh tế. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến việc GDP quý 1/2023 được điều chỉnh, ngoài ra, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 5/2023.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Mona Mahajan, ông Edward Jones, nhận xét: “Cổ phiếu của doanh nghiệp trong những lĩnh vực tăng trưởng tốt tăng điểm trong phiên gần nhất, tuy nhiên chắc chắn kết quả đợt kiểm tra vừa qua của Fed có thể coi như dấu hiệu tích cực rằng thậm chí nếu như kinh tế yếu đi, các ngân hàng dường như vững vàng hơn so với thời kỳ năm 2008”.
Thị trường chứng khoán Mỹ như vậy đã qua nửa đầu năm giao dịch, phiên ngày thứ Sáu tuần này sẽ là phiên cuối cùng của giai đoạn trên. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số S&P 500 tăng 14,5%, còn riêng trong tháng này, chỉ số nhiều khả năng có tháng tăng mạnh nhất tính từ tháng 1/2023.
Chỉ số Nasdaq đã tăng gần 30% và hiện đang hướng tới nửa đầu năm tăng điểm mạnh nhất tính từ năm 1983. Nhà đầu tư lạc quan ngày một nhiều hơn về triển vọng của trí tuệ nhân tạo, cổ phiếu công nghệ nhờ vậy lên điểm mạnh. Chỉ số Dow Jones tuy nhiên không ghi nhận mức tăng cao, chỉ 2,9%.
Dù rằng thị trường chứng khoán Mỹ có khởi đầu năm đầy tích cực, một số nhà đầu tư trên phố Wall đang chuẩn bị cho khả năng sẽ có nửa sau của năm đầy khó khăn.
“Thị trường sẽ không thể nào tăng điểm mạnh, chính vì vậy sẽ không ngạc nhiên khi mà chúng ta chứng kiến thị trường sẽ có những giai đoạn điều chỉnh bởi không ít nhà đầu tư sẽ chốt lời”, bà Mahajan nói.
Cổ phiếu Apple tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm, chạm ngưỡng cao 190,07USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường của Apple chạm ngưỡng 3 nghìn tỷ USD. Ở thời điểm chốt phiên giao dịch, giá trị vốn hóa của Apple được tính toán ở ngưỡng 2,98 nghìn tỷ USD.
Theo tính toán của CNBC dựa trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành, Apple sẽ trở thành công ty vốn hóa 3 nghìn tỷ USD, ngưỡng mà chưa bao giờ được thiết lập trước đây, cổ phiếu Apple khi đó sẽ ở mức 190,73USD/cổ phiếu.
Những tuyên bố gần đây của chủ tịch Fed Jerome Powell đã không thể thay đổi quan điểm của thị trường với triển vọng kinh tế, theo nhận xét của ông Chris Senyek tại tổ chức Wolfe Research.
Chỉ số cổ phiếu các ngân hàng khu vực Mỹ (KRE) hạ 8% trong tuần trước, và vì vậy để mất phần nào mức tăng của chỉ số ETF. Tuy nhiên, chiến lược gia tại ngân hàng Barclays – ông Stefano Pascale nói rằng hiện đang không có nhiều thay đổi trên thị trường quyền chọn. Chỉ số KRE bình ổn trong tuần này và riêng trong phiên ngày thứ Năm tăng điểm hơn 1%.