Vào lúc 14 giờ 5 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.372,87 USD/ounce.
Chiến lược gia Yeap Jun Rong tại ngân hàng IG nhận định số liệu yếu hơn gần đây của kinh tế Mỹ đang củng cố kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng Chín. Song, Chủ tịch Fed vẫn muốn chờ thêm dữ liệu kinh tế và lạm phát để củng cố niềm tin cho các nhà hoạch định chính sách tiến hành cắt giảm lãi suất. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch ước tính có 73% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.
Số liệu CPI tháng Sáu dự kiến công bố ngày 11/7. Chuyên gia Yeap nhấn mạnh bất kỳ sự gia tăng bất ngờ nào của CPI đều có thể thách thức nỗ lực chống lạm phát của Fed và làm dấy lên những lời kêu gọi trì hoãn quá trình nới lỏng chính sách. Điều này có thể gây áp lực lên giá vàng.
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch trao đổi vàng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Sáu do sự bổ sung lượng nắm giữ của các quỹ niêm yết ở châu Âu và châu Á.
Tại Việt Nam, chiều 10/7, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
*Giá dầu châu Á đi xuống
Trong phiên chiều 10/7, giá dầu châu Á đi xuống khi tác động từ cơn bão Beryl dịu bớt và dữ liệu lạm phát cho thấy nhu cầu tiêu dùng yếu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Vào lúc 13 giờ 32 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 58 xu (0,69%) xuống 84,08 USD/thùng, sau khi giảm 1,3% trong phiên trước. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 48 xu (0,59%) xuống 80,93 USD/thùng, sau khi giảm 1,1% trong phiên trước.
Cả hai loại dầu trên đều giảm khoảng 3% trong ba phiên trước giữa những dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất năng lượng ở Texas tương đối ổn định sau cơn bão Beryl. Các công ty dầu khí đã nối lại một số hoạt động ngày 9/7. Một số cảng đã mở cửa trở lại và hầu hết các nhà sản xuất cũng như cơ sở đều đang tăng cường sản xuất.
Mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc cũng đè nặng lên giá cả khi giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng không như dự kiến trong tháng Năm. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Sáu đã tăng 0,2% so với một năm trước, thấp hơn mức tăng 0,3% trong tháng Năm và là mức thấp nhất trong ba tháng.
Nhà phân tích thị trường Tina Teng nhận định dự đoán căng thẳng ở Trung Đông giảm bớt và số liệu CPI tháng Sáu yếu hơn dự kiến của Trung Quốc đã gây sức ép lên giá dầu.
Tuy nhiên, những bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell về khả năng cắt giảm lãi suất đã kiềm chế bớt đà giảm của giá dầu. Lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhiều hơn và qua đó thúc đẩy tiêu thụ dầu.
Sau bình luận của ông Powell, nhà đầu tư dự kiến có gần 70% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.
*Chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Phiên chiều 10/7, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều sau những kỷ lục mới trên Phố Wall.
Chốt phiên này, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo tăng 0,6% lên 41.831,99 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,7% xuống 2.939,36 điểm; còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,3% xuống 17.471,67 điểm.
Phiên 9/10, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã xác lập kỷ lục mới, sau khi Chủ tịch Powell chỉ ra những tiến bộ "khiêm tốn" trong cuộc chiến giảm lạm phát.
Ngày 9/7, trong buổi điều trần trước Thượng viện, Chủ tịch Powell đã đánh giá nền kinh tế Mỹ không còn quá nóng, với thị trường việc làm đã hạ nhiệt và nhiều mặt đã quay trở lại tình trạng trước đại dịch COVID-19, khiến khả năng cắt giảm lãi suất đang trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo ông Powell, sau khi không đạt được tiến bộ trong mục tiêu lạm phát 2% vào đầu năm nay, số liệu hàng tháng gần đây nhất đã cho thấy những bước tiến triển nhỏ. Người đứng đầu Fed cho rằng những dữ liệu tích cực hơn sẽ củng cố niềm tin rằng lạm phát đang hướng tới mức 2% một cách bền vững.
Chuyên gia Alvin Tan của công ty tài chính RBC Capital Markets cho rằng bình luận của Chủ tịch Powell gợi ý rằng Fed đang chuyển sang xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, song ông Powell vẫn từ chối đưa ra mốc thời gian rõ ràng về việc cắt giảm lãi suất.
Phiên này, chứng khoán Trung Quốc chịu sức ép sau khi nước này công bố số liệu chính thức cho thấy CPI thấp hơn dự kiến.
Nhà kinh tế Zhiwei Zhang tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nhận định nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc vẫn chưa giảm bớt, khi nhu cầu trong nước vẫn yếu. Giá thực phẩm thậm chí còn giảm hơn nữa, bất chấp sự gián đoạn nguồn cung do thời tiết xấu. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu.
Theo ông Zhang, lĩnh vực xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Về lâu dài, nước này sẽ cần phục hồi nhu cầu nội địa để thúc đẩy nền kinh tế. Ông nói thêm nếu Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Chín, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) có thể hành động tương tự.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 9/7, VN-Index giảm 7,77 điểm (0,6%) xuống 1.285,94 điểm, HNX-Index giảm 1,12 điểm (0,46%) xuống 244,54 điểm.