Chủ tịch Sacombank - ông Dương Công Minh đã nhắn nhủ như vậy tới các bạn doanh nhân trẻ tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2022 tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Chia sẻ với các doanh nhân trẻ, ông Minh cho biết điều mà ông tâm đắc, cũng là “kim chỉ nam” cho thành công trong kinh doanh của mình đó là thượng tôn pháp luật và chia sẻ lợi ích.
“Làm gì thì làm phải theo quy định của pháp luật, khi đã có lợi nhuận rồi thì chia sẻ với người lao động, với cộng đồng. Khi nhận nhiệm vụ tái cơ cấu Ngân hàng Sacombank, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải làm sao đưa Sacombank có lợi nhuận và trở lại vị thế hàng đầu ngành ngân hàng”, Chủ tịch Sacombank cho biết.
Từ mục tiêu đó, ông Dương Công Minh cho biết chỉ chọn và làm việc với “người cộng sự duy nhất” là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, hiện nay là Tổng giám đốc Sacombank để đưa ra những quyết sách giúp ngân hàng tái cơ cấu thành công.
Ông Minh lấy ví dụ, một trong những quyết định thể hiện sự sáng tạo, đột phá trong quá trình tái cơ cấu Sacombank chính là việc bán khai thác bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam, thu về khoản tiền 800 tỷ đồng, giúp lợi nhuận năm 2017 của Sacombank vọt lên 1.400 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ vỏn vẹn 16 tỷ đồng.
Vị doanh nhân này cũng nhắn nhủ với các bạn doanh nhân trẻ rằng, muốn thành công, giàu có phải có hoài bão, ước mơ và phải có đột phá, chứ cứ bình bình thì doanh nghiệp không thể nào lớn nổi.
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, là Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trước khi tham gia HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh từng là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank trong nhiều năm, đồng thời giữ vị trí lãnh đạo ở một số doanh nghiệp như Địa ốc Him Lam, Chứng khoán Liên Việt…
5 năm trước, khi được bầu giữ vị trí “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT STB tại kỳ đại hội tháng 6/2017, ông Minh cho biết việc sáp nhập vào Phương Nam đã khiến ngân hàng có một số khó khăn, nhưng đồng thời đã giúp Sacombank hậu sáp nhập có được quy mô lớn.
Đề án xác định là tái cấu trúc trong 10 năm, nhưng Hội đồng quản trị ngân hàng khi đó đã thống nhất là sẽ giải quyết trong vòng 5 năm. Theo ông Minh, nợ xấu của ngân hàng chủ yếu nằm trong bất động sản đảm bảo, nếu xử lý nhanh vấn đề này thì sẽ sớm hoàn tất tái cấu trúc.
Sacombank dần về đích tái cơ cấuTrong chia sẻ với báo giới mới đây, Chủ tịch Sacombank khẳng định, trong số các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu trong khoảng 10 năm trở lại đây, Sacombank là một điểm sáng bởi thực trạng đầy thử thách khi bắt đầu và những nỗ lực vượt bậc đã đem lại kết quả tốt đẹp, ngay ở năm đầu thực hiện tái cơ cấu, Sacombank đã có lợi nhuận dương. Nhà nước lại không phải bỏ ra một đồng nào.
“Qua từng năm sau, Sacombank đã vực dậy, vươn lên mạnh mẽ với tốc độ "thần kỳ". Đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa”, ông Dương Công Minh chia sẻ.
Cụ thể, lãnh đạo ngân hàng này đề cập, từ năm 2017 đến năm 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống còn 1,47 %.
Nhờ thực hiện tái cơ cấu thành công, tháng 9/2022 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng và Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ room được điều chỉnh cao nhất với 4%.