“Cát Bà thành điểm đến du lịch tầm quốc tế”
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc phát triển du lịch Cát Bà theo định hướng xanh?
PGS, TS. Phạm Trung Lương: Chúng tôi (Viện Du lịch Bền vững Việt Nam) đã lập đề án phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà từ 2011. Đề án mang tầm nhìn chiến lược về tăng trưởng xanh ở Việt Nam, đó là phát triển du lịch xanh, đưa Cát Bà thành một trong những điểm đến du lịch xanh đầu tiên ở Việt Nam.
Hải Phòng đã đạt được một số kết quả như bảo tồn Voọc gắn với du lịch sinh thái; UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà với trọng tâm là Vườn quốc gia Cát Bà; được UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, đến nay Cát Bà vẫn chưa thực sự có tên trên bản đồ du lịch xanh quốc gia và thế giới.
Phóng viên: Dù đạt được những kết quả như trên nhưng vì sao Cát Bà vẫn chưa thực sự có tên trên bản đồ du lịch xanh quốc gia và thế giới, thưa ông?
PGS, TS. Phạm Trung Lương: Giá trị về mặt sinh thái, cảnh quan ở Cát Bà đã được thế giới công nhận. Nhưng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh đúng nghĩa thì không chỉ dựa vào các yếu tố trên.
Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam từ 1995 đã xác định Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là khu vực có giá trị du lịch toàn cầu, từ đó đề xuất phát triển Hạ Long - Cát Bà thành 1 trong 4 khu du lịch quốc gia tổng hợp. Nhưng Hạ Long – Cát Bà vẫn chưa được đầu tư tương xứng.
Tuy đây là điều đáng tiếc nhưng chưa bao giờ muộn để thực hiện mục tiêu và kỳ vọng về khu du lịch quốc gia Hạ Long – Cát Bà của 28 năm trước và gần đây là của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 và Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển Cát Bà thành điểm đến du lịch xanh tầm cỡ quốc tế rất cần những nhà đầu tư tâm huyết, có kinh nghiệm và tầm nhìn, cùng song hành với những nhà hoạch định du lịch và quyết tâm của các cấp chính quyền.
Phóng viên: Ông đánh giá việc xây dựng Cát Bà thành hòn đảo sinh thái không khí thải carbon liệu có khả thi?
PGS, TS. Phạm Trung Lương: Ngay từ năm 2011, du lịch Cát Bà đã được định hướng và quy hoạch thành một điểm đến khác biệt: hòn đảo xanh đúng nghĩa, giảm lượng phát thải carbon. Tới năm 2025, Cát Bà sẽ không còn xe xăng hoặc nguyên liệu phát thải carbon. Thậm chí trên đảo chỉ dùng phương tiên xe thô sơ, không có xe cơ giới. Đây là sự khác biệt theo hướng phát triển du lịch xanh mà tại thời điểm đó chưa có khái niệm rõ ràng. Chính sự khác biệt sẽ tạo nên sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế.
Bên cạnh đó, những tác động của du lịch đến môi trường sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Cát Bà đã có một ý tưởng phát triển rất tốt, được chính quyền thành phố phê duyệt với sự đồng thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Song đầu tư vào du lịch xanh sẽ không mang tới hiệu quả hay lợi ích nhìn thấy ngay. Cần những nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược, tâm huyết, kinh nghiệm.
Đến lúc đảo Ngọc Cát Bà vươn tầm
Phóng viên: Theo ông, chính quyền, nhà đầu tư, cộng đồng cần làm gì để đưa Cát Bà thành đảo du lịch sinh thái xanh?
PGS, TS. Phạm Trung Lương: Đảo Cát Bà đã phát triển hệ thống xe điện chở khách cùng tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long: những phương tiện giúp giảm thiểu khí thải carbon.
Cát Bà đã bắt đầu hạn chế phương tiện phát thải với sự đồng hành của cộng đồng kinh doanh dịch vụ du lịch và Sun Group. Tôi kỳ vọng, Cát Bà sẽ hiện thực hóa mục tiêu không tiếp nhận xe cơ giới ra đảo
Đề án xây dựng Cát Bà khuyến khích chỉ dùng xe chạy nhiên liệu xăng sinh học. Theo lộ trình sẽ không còn cư dân, khách du lịch dùng xe xăng. Để tiến gần hơn tới đích đó, rất cần lộ trình gồm hạ tầng bến bãi đậu xe, hệ thống sạc điện, phát triển thêm phương tiện vận chuyển thân thiện môi trường. Điều này cần sự nhất quán trong chỉ đạo và nguồn lực đầu tư lớn, đòi hỏi chính quyền, nhà đầu tư chiến lược, cộng đồng cùng kiên định đưa Cát Bà thành đảo du lịch sinh thái xanh đầu tiên ở Việt Nam, thậm chí trong khu vực.
Phóng viên: Theo ông, nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò ra sao trong lộ trình phát triển du lịch, đưa đảo Ngọc vươn tầm?
PGS, TS. Phạm Trung Lương: Từ ý tưởng đến hiện thực là quãng đường dài mà nếu không có nhà đầu tư chiến lược thì rất khó thực hiện. Đầu tư cho một điểm đến du lịch xanh tốn nhiều nguồn lực mà không dễ mang lại lợi ích “nhìn” thấy được trong ngắn hạn. Vì vậy, phát triển điểm đến du lịch xanh Cát Bà đòi hỏi nhà đầu tư chiến lược vừa có tiềm lực tài chính, vừa tâm huyết, có kinh nghiệm và tầm nhìn xa.
Dựa trên nguyên lý phát triển bền vững, Cát Bà quy hoạch rõ các phân khu chức năng phát triển, khai thác du lịch với mức độ bảo tồn khác nhau. Khu vực trung tâm đảo Cát Bà được phép phát triển ở mức độ cao và có nhiều lợi thế du lịch, nhưng quy mô dự án còn nhỏ lẻ, chưa liên kết.
Ở góc độ du lịch, bên cạnh mục tiêu điểm đến xanh, giảm khí thải với những khu du lịch đẳng cấp và hoạt động gắn với bảo tồn, Cát Bà vẫn cần có những khu du lịch, dịch vụ dành cho đại chúng, nơi cung cấp đầy đủ dịch vụ, tiện ích du lịch biển đồng bộ cho khách cũng như cư dân. Dự án đang triển khai tại Vịnh trung tâm Cát Bà là ví dụ. Dự án sẽ mang tới khu vực công cộng lớn như quảng trường, trục đại lộ, nơi dễ dàng tổ chức sự kiện văn hóa truyền thống, sự kiện du lịch. Dự án còn có bãi tắm nhân tạo dài gần 1km. Tại khu vực này sẽ phát triển bãi tắm lớn nhất trên đảo Cát Bà, bổ sung tiện ích đang bị thiếu và quá tải trên hòn đảo. Để thực hiện được dự án này thì cần nhà đầu tư chiến lược có tâm, có tầm và bám sát vào nguyên lý phát triển bền vững.
Phát triển một điểm đến sở hữu các khu du lịch đại chúng là thuận với xu thế phát triển, vừa bảo tồn được giá trị sinh thái và văn hóa, vừa liên kết chúng với những hoạt động phát triển của cộng đồng dân cư, khách du lịch.
Tuy nhiên, cần chú trọng quản lý các hoạt động phát triển du lịch bền vững. Điều có có nghĩa là các dự án phát triển mới cần coi trọng nguyên tắc du lịch thân thiện môi trường, cần có hệ thống xử lý nước thải, rác thải từ hoạt động du lịch. Đặc biệt là chú trọng ứng dụng công nghệ 3R (tiết kiệm- tái sử dụng – tái chế) và sử dụng năng lượng tái tạo trong vận hành du lịch nhằm giảm thiểu khí thải carbon. Để làm điều này thì rất cần nhà đầu tư chiến lược có tâm, đủ tầm, đóng vai trò đầu tư các dự án lớn, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng đi theo.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào khi Sun Group đầu tư dự án phát triển du lịch Cát Bà?
PGS, TS. Phạm Trung Lương: Theo định hướng phát triển du lịch bền vững và sinh thái xanh, Hải Phòng đã chọn đúng nhà đầu tư hàng đầu về du lịch. Sun Group là một nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược và rất tâm huyết với sự phát triển du lịch bền vững ở các vùng đất nơi Sun Group được mời đầu tư.
Bên cạnh những bản quy hoạch được nghiên cứu kỹ về tầm nhìn phát triển dài hạn, tôi lấy ví dụ ngay ở dự án Khu du lịch, thương mại dịch vụ Vịnh trung tâm Cát Bà mà Sun Group đang đầu tư sẽ cần có nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ, nhằm kích phát ngày càng nhiều nhu cầu du lịch tới Cát Bà.
Không chỉ có hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, quy mô, dự án này sẽ mang tới bãi biển lớn nhất từ trước tới nay, bù đắp cho sự thiếu hụt bãi tắm trên đảo, giúp tăng thêm sức hấp dẫn. Du khách trong nước và quốc tế sẽ không chỉ được trải nghiệm thiên nhiên, sự đa dạng sinh học của Cát Bà mà còn được tắm biển, vui chơi, trải nghiệm các hoạt động bên biển. Điều này cho thấy, Sun Group đã nghiên cứu rất kỹ với các dự án đầu tư, cho thấy cái tâm, cái tầm của chủ đầu tư.
Tôi đánh giá rất cao việc Hải Phòng đã lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược như Sun Group. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tâm huyết cũng như kinh nghiệm, năng lực của Sun Group trong phát triển các dự án du lịch tại Cát Bà thông qua những gì Sun Group đã đầu tư phát triển thành công các điểm đến du lịch đẳng cấp tại Sa Pa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Tây Ninh.
Với năng lực, kinh nghiệm và “công thức thành công” thì các dự án của Sun Group sẽ giúp Cát Bà ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!