Xuất khẩu cà phê từ đầu năm đến ngày 15/12 tăng 5,58% về lượng nhưng tăng đến 23,22% về kim ngạch so với năm ngoái. Ngành cà phê trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản cả nước năm 2022, thị trường được mở rộng sang nhiều quốc gia lớn, tiềm năng và đây là yếu tố tạo triển vọng để gia tăng xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam ở những năm tiếp theo.
Xuất khẩu cà phê Robusta tăng trưởng mạnh
Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng toàn ngành là chủng loại cà phê Robusta, chiếm 98,16% tổng lượng và chiếm 84,86% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê các loại.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 12/2022 đạt 69.943 tấn, trị giá 156,918 triệu USD. Cộng dồn từ đầu năm đến 15/12 xuất khẩu cà phê đạt 1.649.740 tấn, trị giá hơn 3,786 tỷ USD, chỉ tăng 5,58% về lượng nhưng tăng đến 23,22% về kim ngạch xuất khẩu, trong đó xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta của Việt Nam tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, xuất khẩu cà phê Robusta tăng trưởng 2 con số, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cà phê trong năm 2022.
Trong tháng 11/2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 111,26 nghìn tấn, trị giá trên 222 triệu USD, tăng 21,2% về lượng và tăng 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn, trị giá 2,78 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng và tăng 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực tăng, gồm: Ý, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Philippines, Ấn Độ… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang Đức, Hoa Kỳ giảm.
Trong tháng 11/2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 111,26 nghìn tấn, trị giá trên 222 triệu USD“Trong 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê chế biến sâu tăng so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn ở mức thấp.
Sang năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành cà phê Việt Nam sẽ chú trọng đầu tư hơn vào khâu sơ chế, bảo quản. Việt Nam bước đầu hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/ năm. Với tín hiệu tích cực trên, kỳ vọng ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới”, đại diện Cục XNK nói.
Năm 2023, xuất khẩu cà phê chưa hết khó khăn
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa), kể từ tháng 9 năm 2022 ngành cà phê Việt Nam bắt đầu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn đã giảm, khách mua hàng ít. Song, tính chung cả năm thì ngành cà phê Việt Nam vẫn có tăng trưởng tốt, nhất là giá xuất khẩu tăng cao.
“Bước sang năm 2023, xuất khẩu cà phê sẽ đối mặt nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tại châu Âu gồm 27 nước trong trong khối EU và một số các nước ngoài EU, nơi chiếm đến hơn 46% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện nay khu vực châu Âu vẫn còn rất nhiều biến động do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cùng với đó là lạm phát của các nước trong khu vực vẫn tăng cao. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022 – 2023 được dự báo tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng không tương xứng sẽ tạo áp lực lên đầu ra”, Chủ tịch Vicofa nói.
Số liệu thống kê từ Eurostat, 9 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu cà phê từ thị trường thế giới đạt 3,31 triệu tấn, trị giá 15,6 tỷ EUR (tương đương 16,5 tỷ USD), tăng 19,6% về lượng và tăng 66,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu bình quân cà phê của EU đạt mức 4.702 EUR/tấn, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của EU từ hầu hết các nguồn cung chính tăng, ngoại trừ Pháp. Mức tăng cao nhất 96,1% từ Bra-xin; mức tăng thấp nhất 6,4% từ Hà Lan. So với các nguồn cung cà phê chính cho EU, giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này từ Việt Nam đạt mức thấp nhất 2.285 EUR/tấn, tăng 52,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng thời gian trên, Việt Nam là quốc gia cung cấp cà phê lớn thứ hai cho EU sau Brazil đạt 504.033 tấn, trị giá 1.22 tỷ USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 109,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu trung bình tăng 52,3%. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU chiếm 15,19% trong 9 tháng đầu năm 2022, thấp hơn so với thị phần 13,18% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng cà phê toàn cầu ước tính tăng 6.6 triệu bao lên 172.8 triệu bao vào niên vụ 2022/2023, với mức tiêu thụ chỉ cao hơn 800 nghìn bao so với mức 167.9 triệu bao của niên vụ trước. Ngoài ra, USDA dự báo vụ thu hoạch cà phê Robusta của Brazil sẽ tiếp tục mở rộng để đạt kỷ lục 22.8 triệu bao, tăng 1.1 triệu bao.
Ngoài ra, USDA dự báo vụ thu hoạch cà phê arabica ở Brazil được dự báo tăng 3,4 triệu bao lên 39,8 triệu bao, mặc dù thấp hơn nhiều so với các vụ gần đây trong chu kỳ hai năm một lần của nước này, đạt đỉnh gần 50 triệu bao.