CTCP Vinagame (VNG) đưa ra tờ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2022 (theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản) thông qua phương án chào bán toàn bộ cổ phiếu quỹ và thay đổi thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty.
Trong đó, VNG trình ĐHĐCĐ phê duyệt chào bán tối đa 7,1 triệu cổ phần cho CTCP Công nghệ BigV với mục đích cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động, vốn cho đầu tư và hoạt động kinh doanh để tăng quy mô vốn hoạt động, mở rộng và phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài của công ty. Đồng thời góp vốn, đầu tư hoặc mua cổ phiếu khác có cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh với VNG nhằm phát triển củng cố thị phần và vị trí công ty trong ngành internet.
Cổ phiếu được chào với mức giá bán là 177.881 đồng/cổ phiếu. VNG dự kiến sẽ thu về hơn 1.200 tỷ đồng sau giao dịch. VNG đưa ra đề xuất phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán để chi trả chi phí bản quyền phần mềm trò chơi (764,4 tỷ đồng) và chi phí marketing (500 tỷ đồng).
Trong trường hợp nhà đầu tư không đăng ký mua hết số lượng cổ phiếu chào bán, công ty sẽ sử dụng linh hoạt các nguồn vốn khác của công ty hoặc vay ngân hàng, hoặc huy động từ các nguồn hợp lệ khác để bù đắp phần vốn còn thiếu thực hiện mục đích sử dụng vốn nêu trên.
Giao dịch dự kiến được thực hiện trong năm 2023, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận.
Hiện tại, CTCP Công nghệ BigV đang sở hữu 1,6 triệu số cổ phiếu của VNG (chiếm tỷ lệ 5,7%). Dự kiến sau giao dịch, CTCP Công nghệ BigV sẽ sở hữu 8,7 triệu cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên 30,5%.
CTCP Công nghệ BigV có vốn điều lệ đã góp là 101 tỷ đồng, đáp ứng tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không thuộc trường hợp không được mua cổ phần của VNG theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, VNG cũng trình ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT là ông Bryan Fredric Pelz, bà Byun Jung Won và ông Vũ Việt Sơn; đồng thời, bầu bổ sung 4 ứng cử viên vào HĐQT mới nhiệm kỳ 2022-2025 bao gồm: bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, ông Võ Sỹ Nhân và ông Lê Quốc Anh.
Ngày 28/11, VNG đã chốt danh sách cổ đông lớn bao gồm CTCP Công nghệ Big V và VNG Limited để thực hiện thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD và đăng ký giao dịch tại sàn Upcom. Sau ngày 28/11, VNG sẽ dừng mọi thủ tục cho đến khi cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở giao dịch chứng khoán. Việc chuyển nhượng cổ phần sau khi đã được đăng ký giao dịch được thực hiện theo quy định của cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2022, VNG đạt doanh thu thuần gần 2.100 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá vốn hàng bán chỉ giảm 1%, còn hơn 1.157 tỷ đồng, kéo lãi gộp còn 943 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của VNG đạt gần 5.764 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lỗ sau thuế lũy kế lên tới hơn 764 tỷ đồng, trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 529 tỷ đồng).